Trong khuôn khổ chuyến làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, những ngày vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã làm việc với một số cơ quan đối tác Mỹ: Bộ Nông nghiệp (USDA), Hội đồng ngũ cốc (USGC); Ủy ban thương mại quốc tế (USITC), Cơ quan đại diện thương mại (USTR).
THƯƠNG MẠI NÔNG SẢN VIỆT - MỸ TĂNG NHANH
Trong các cuộc làm việc, các cơ quan của Mỹ đều đánh giá Việt Nam là đối tác vô cùng tin cậy khi triển khai các cam kết thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong 3 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã nỗ lực triển khai Kế hoạch hành động của Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) để mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản hai nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chủ động tổ chức hàng loạt cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của hai nước, đã có 18 Biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại nông sản giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ đã được ký và triển khai thực hiện nghiêm túc từ tháng 2/2020.
Với những nỗ lực của cả hai bên, thương mại nông sản hai nước liên tục tăng nhanh, từ 8 tỷ USD năm 2017 lên 12,8 tỷ USD năm 2020, tăng trưởng ở mức 60% sau 3 năm.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, nhưng 8 tháng năm 2021 thương mại nông sản hai nước đạt mức 10,9 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 29,1% trong tổng thị phần xuất khẩu ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam.
Đến thời điểm này, hầu hết nông lâm thủy sản của Việt Nam đều xuất khẩu vào Mỹ với lượng rất lớn, trong đó riêng sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 7-8 tỷ USD mỗi năm.
Đối với trái cây, do đây là mặt hàng tiềm ẩn rủi ro về đối tượng gây hại cần phải kiểm dịch, nên phải đàm phán có biện pháp kiểm soát đối với từng chủng loại trái cây cụ thể.
Đến nay, phía Mỹ đã mở cửa thị trường cho một số loại trái cây nhiệt đới từ Việt Nam, áp dụng hệ thống công nhận tương đương cá tra.
Trong thời gian tới, phía Mỹ sẽ tiếp tục xem xét mở cửa thị trường cho bưởi, chanh leo của Việt Nam, cũng như xem xét áp dụng hệ thống công nhận tương đương đối với các sản phẩm thủy sản nói chung.
Ngược lại, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho các sản phẩm trái cây có thế mạnh của Mỹ như táo, nho, lê, xuân đào…, chứng nhận đăng ký cho các doanh nghiệp xuất khẩu thịt và thủy sản của Mỹ, chứng nhận các sản phẩm công nghệ sinh học, miễn giảm thuế nhập khẩu cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Các chuyên gia cho rằng nông sản của Việt Nam và Mỹ mang tính bổ trợ cho nhau chứ không phải cạnh tranh. Mỹ là thị trường số 1 của rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thể kể đến như thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, cao su và nhiều loại quả.
Trong khi đó, các nông sản xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Việt Nam là bông, các sản phẩm đầu vào của ngành sữa, đồ gỗ, ngô, đậu nành, bột mỳ… đây đều là những sản phẩm đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, chế biến tại Việt Nam.
Đây là những minh chứng rất rõ cho thấy mối quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp Việt - Mỹ mang tính bổ trợ cho nhau.
HỢP TÁC PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Cùng với phát triển thương mại nông sản, hai bên cũng nhấn mạnh đến hợp tác về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp.
Tại cuộc làm việc với ông Hafemaister, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh nhận định: Là một nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, Việt Nam hoan nghênh Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tăng cường cam kết thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ, mong muốn được hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ trong việc áp dụng các thành tựu công nghệ mới của nhân loại trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ vaccine phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, đa dạng sinh học....
"Ngay từ những năm 2000, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với các bệnh xuất hiện trên gia súc, gia cầm ví dụ như cúm gia cầm trước đây hay dịch tả lợn châu Phi trong thời gian gần đây".
Ông Hafemaister, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề xuất phía Mỹ hỗ trợ và giới thiệu các công ty lớn phối hợp với Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) để triển khai Sáng kiến hợp tác công - tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam cho vùng Đông Nam Á và Chương trình 100 triệu nông dân thực hành phát thải thấp.
Ông Hafemaister, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết trong những năm qua, Mỹ đã hỗ trợ, hợp tác trong việc phát triển ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Mỹ cũng giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển giao các nguồn gen vật nuôi chất lượng cao.
Nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi của Mỹ đã có sự hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam trong những năm qua. Từ đó, góp phần thúc đẩy vào sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành hàng chăn nuôi Việt Nam như thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản và sữa.
Nhân sự kiện đoàn lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang Mỹ lần này, đã diễn ra lễ ký biên bản hợp tác kỹ thuật giữa Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Theo Biên bản ghi nhớ này, hai bên sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp thức ăn chăn nuôi, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau về các chính sách và quy định liên quan phù hợp với luật pháp, quy định, chính sách và mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ sẽ giúp nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam, doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và làm việc trong lĩnh vực này để tiếp cận công nghệ mới, thương mại kiểu mới và kỹ năng mới để tổ chức quản lý sản xuất. Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ cũng cam kết sẽ hỗ trợ các thiết bị y tế như bộ test Covid-19 và thuốc chữa trị Covid-19 dành cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam.