Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình quan hệ lao động trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho thấy, trong năm 2023 tiền lương bình quân trong các loại hình doanh nghiệp đều tăng lên đáng kể.
Trong năm qua, tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 8,65 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng). Mức tăng cao nhất thuộc về doanh nghiệp dân doanh, đạt 8,7 triệu đồng/tháng, tăng 8% so với năm 2022 (8,02 triệu đồng/tháng).
Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 9,8 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (9,52 triệu đồng/tháng).
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,68 triệu đồng/tháng, tăng 2,5% so với năm 2022 (8,47 triệu đồng/tháng).
Trong khi tiền lương tăng đều ở các loại hình doanh nghiệp, thì tiền thưởng Tết Âm lịch Giáp Thìn 2024 lại có sự chênh lệch giữa các nhóm.
Mức thưởng bình quân dịp này là 6,83 triệu đồng, xấp xỉ mức thưởng dịp Tết Âm lịch năm 2023 (6,86 triệu đồng/người).
Hai nhóm loại hình doanh nghiệp có mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán tăng là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đạt mức 6,69 triệu đồng/người, tăng 2,2% so với năm 2023 (6,54 triệu đồng/người). Doanh nghiệp dân doanh là 7,78 triệu đồng/người, tăng 17% so với 2023 (6,65 triệu đồng/người).
Riêng ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thường Tết giảm mạnh, chỉ đạt 6,05 triệu đồng/người, giảm 16% so với 2023 (7,22 triệu đồng/người).
Do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nên tình trạng nợ lương của người lao động vẫn xảy ra.
Trong năm qua, Công đoàn ghi nhận có 19 doanh nghiệp ở 9 tỉnh/thành phố gồm: Cần Thơ, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Quảng Bình, Sóc Trăng, Vĩnh Long, nợ 55,3 tỷ đồng tiền lương của 2.632 người lao động. Bình quân nợ 21 triệu đồng/người.
So với năm 2022, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm, nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn. Năm 2022, có 23 doanh nghiệp nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước Tết năm 2024 hiện có giảm so với Tết năm 2023.
Trước Tết Nguyên đán 2024 cả nước xảy ra 11 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố, giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2023 (xảy ra 18 cuộc).
Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đẫn đến tranh chấp, ngừng việc là do doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động không đồng tình với điều kiện, cách tính, mức thưởng tết của doanh nghiệp.
Khi tranh chấp, ngừng việc tập thể diễn ra, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp cùng với các cơ quan chức năng hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, tìm biện pháp giải quyết.
Với sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động, và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, các kiến nghị của người lao động đã được người sử dụng lao động thực hiện, toàn bộ người lao động đã trở lại làm việc bình thường.
Trước, trong và sau Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách, tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, công đoàn cơ sở thuộc phân cấp quản lý.
Quan tâm đặc biệt tới các doanh nghiệp, đơn vị làm việc trong Tết để đảm bảo thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, tiền lương, thưởng và các chế độ khác của người lao động.
Đồng thời, tham gia với các cơ quan chức năng của địa phương hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, hạn chế xảy ra đứt gãy nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, Công đoàn cũng tổ chức giám sát, kiểm tra việc triển khai các hoạt động chăm lo cho người lao động tại một số doanh nghiệp đông lao động…