Thông tin được Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị trực tuyến hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 với chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”, chiều 22/8.
Tuần lễ tiêm chủng thế giới hằng năm là sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động, nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, giúp họ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.
HÀNG TRĂM TRIỆU LIỀU VACCINE ĐÃ ĐƯỢC TIÊM CHỦNG MIỄN PHÍ
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện nay có 11 bệnh truyền nhiễm gồm: Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt, Viêm gan B, Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, Viêm não Nhật Bản B, rubella, Rota được triển khai trong tiêm chủng mở rộng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam.
Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Kết quả của tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước tiên là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng.
Tiếp đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.
Đặc biệt thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới. Học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng, và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khoẻ của con em mình trong tiêm chủng thường xuyên, và các chiến dịch tiêm chủng. “Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Với các địa phương, cần thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương quan tâm đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng, trong đó ưu tiên kinh phí cho triển khai tiêm chủng mở rộng, kinh phí cho công tác phòng chống dịch những bệnh có vaccine như sởi, bạch hầu...
Ngành Giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng.
“Bộ Y tế mong muốn người dân Việt Nam ngày càng được tiêm chủng nhiều loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH SỬ DỤNG CÁC VACCINE MỚI
Cũng tại hội nghị, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, bổ sung thêm rằng ở Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em không được tiêm chủng từ năm 2021, do những gián đoạn liên quan đến đại dịch và tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine gần đây.
Điều này dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm mạnh chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua.
Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng, bao gồm bệnh bạch hầu và ho gà. Cùng với mối lo ngại về nguy cơ bùng phát bệnh sởi trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và cả nước.
Tuy nhiên, theo bà Angela Pratt, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết bởi chúng ta biết rõ giải pháp và những hành động có thể cùng nhau thực hiện, để đẩy lùi nguy cơ.
Riêng tại các tỉnh, thành phố có số ca nhiễm đang tăng nhanh, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị công bố dịch, để giúp kích hoạt và khai thác các nguồn lực hỗ trợ ứng phó trong nước và quốc tế.
Bà Angela Pratt cũng cho biết hiện WHO đã hoàn tất việc mua sắm khẩn cấp hơn 1 triệu liều vaccine sởi-rubella để ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng tăng cường tại các khu vực có nguy cơ cao nhất.
“Thời gian sắp tới đây là cơ hội để chúng ta giữ vững, cũng như tạo nên những thành tựu tiếp theo cho câu chuyện thành công của tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Trước hết bằng cách ứng phó với nguy cơ hiện nay do bệnh sởi gây ra. Sau đó là thông qua cam kết và hành động bền vững để đảm bảo độ bao phủ rộng khắp của các loại vaccine tiêm chủng mở rộng hiện có trong tương lai”, TS. Angela Pratt cho hay.
Bên cạnh đó, WHO cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam đưa các loại vaccine mới vào chương trình để mở rộng khả năng bảo vệ của vaccine cho nhiều người hơn và chống lại nhiều bệnh tật hơn, bảo vệ người già khỏi bệnh cúm, bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh khỏi uốn ván và ho gà, bảo vệ thanh thiếu niên khỏi HPV, cũng như bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các bệnh nhiễm do rotavirus và phế cầu khuẩn.
Về phía Bộ Y tế, trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới như vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vaccine phòng bệnh do phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV, và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác,.. để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân.
Với nguy cơ bùng phát dịch sởi trên thế giới cũng như tại Việt Nam theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) xây dựng, và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, với 1.134.200 liều vaccine do Chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO.
Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi.
Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.