January 17, 2025 | 13:56 GMT+7

Tiềm năng thị trường xe ô tô đã qua sử dụng tại Việt Nam

Nam Nguyễn

Sân chơi xe đã qua sử dụng thời gian tới tại Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi khi có những đơn vị lớn tham gia và yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Trước đó là Carpla với sự hậu thuẫn của Tasco, mới đây nhất là FGF chính thức tham gia thị trường kinh doanh ô tô đã qua sử dụng, chuyên dòng sản phẩm VinFast, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường xe cũ thêm phần sôi động.

Quy mô của thị trường

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Xe máy trong suốt thời gian dài luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt do dân số tập trung đông ở các vùng nông thôn có sức mua thấp. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, nhu cầu về xe ô tô chở khách mới đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.

Ngoài ra, nhận thức ngày càng tăng về sức khỏe và vệ sinh sau sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng đối với việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân so với phương tiện giao thông công cộng.

Theo một nghiên cứu của Kenresearch, trong các dòng xe như Sedan, SUV, Hatchback, MPV và các loại khác, Sedan từng là dòng xe được tìm kiếm nhiều bởi giá cả phải chăng và tuổi thọ trung bình cao hơn so với Hatchback và MPV. Nhưng trong những năm gần đây, các loại xe CUV/SUV ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, theo sau đó là MPV với tính năng chuyên chở được đông người và đồ đạc.

Khu vực phía Bắc vẫn là khu vực tiềm năng hơn cả vì do đặc điểm địa lý, khu vực này dễ bị ngập lụt do đó thời gian thay thế trung bình thường cao và người tiêu dùng thích mua xe cũ hơn so với xe mới vì dễ thay thế. Tiếp theo là khu vực phía Nam có dân số đông nhất và thị phần còn lại do khu vực miền Trung chiếm giữ.

Giá bán lại trung bình của Sedan và SUV tại Việt Nam nằm trong khoảng giá 400-600 triệu đồng, đây là hai loại xe được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng nhất. Sự xuất hiện của Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của người tiêu dùng và do đó, nhu cầu đối với những chiếc xe cao cấp như có giá hơn 800 triệu đồng đã sụt giảm.

Những chiếc xe có số ODO tầm 30.000-60.000 km được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Người tiêu dùng mua xe đã qua sử dụng thích những chiếc xe chưa được sử dụng nhiều vì chất lượng xe có thể giảm mạnh khi thời lượng sử dụng tăng lên.

Các thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những thương hiệu được ưa chuộng nhất tại Việt Nam do sở hữu thương hiệu mạnh, độ tin cậy, tuổi thọ cao hơn và giá trị bán lại cao hơn của những chiếc xe đã qua sử dụng.

Thị trường phân mảnh và hướng đi mới

Có một thực tế là phần lớn các giao dịch mua xe đã qua sử dụng tại Việt Nam là thông qua kênh không có tư cách pháp nhân. Sự hiện diện của một số lượng lớn các đại lý đa thương hiệu không có tư cách pháp nhân trải rộng khắp các vùng nông thôn của Việt Nam đã góp phần vào phần lớn các giao dịch mua bán.

Theo Kenresearch, quy mô thị trường dựa trên giá trị giao dịch tăng trưởng với tốc độ CAGR từ năm 2021 – 2026 ~10,6%. Quy mô thị trường dựa trên khối lượng bán hàng cũng dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ tương tự. Dự kiến ​​khối lượng bán ô tô đã qua sử dụng sẽ được thúc đẩy bởi các sáng kiến ​​ngày càng tăng của chính phủ như Hiệp định EVFTA và lệnh cấm xe máy vào năm 2030, dân số trung lưu ngày càng tăng, sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng đối với việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sau Covid-19, thu nhập khả dụng tăng, tỷ lệ thay thế ô tô tăng và sự tin tưởng của khách hàng ngày càng tăng.

Thị trường ô tô đã qua sử dụng của Việt Nam bị phân mảnh cao với sự hiện diện của nhiều đại lý đa thương hiệu có tổ chức và không có tổ chức. Việc tích hợp các nền tảng rao vặt trực tuyến trong những năm gần đây cùng với sự hiện diện của các đại lý độc quyền hạn chế sự thống trị của một công ty duy nhất trên thị trường. Trong khi đó, các mạng lưới đại lý phụ thuộc vào doanh số bán hàng thông qua mạng lưới bán lẻ đang thiết lập sự hiện diện trực tuyến của họ để thu hút sự chú ý trên khắp Việt Nam. Do đó, một trong những lĩnh vực cạnh tranh quan trọng sẽ là khả năng khai thác thị trường trực tuyến của các công ty trong những năm tới. Các công ty độc quyền, đa thương hiệu và phân loại cạnh tranh trên cơ sở các dịch vụ được cung cấp như kiểm tra & định giá xe, cơ sở tài chính & bảo hành và kiểm tra chất lượng, v.v…

Tại Việt Nam, Chợ tốt xe, Bonbanh.com, Muaxegiatot.com hay Oto.com.vn và một số nền tảng thương mại điện tử khác lâu nay vẫn là các kênh mua bán ô tô cũ được nhiều người tham khảo. Tuy nhiên, hiện đã có những doanh nghiệp lớn hơn tham gia vào việc định vị lại thị trường xe cũ lên một tầm mới như Carpla, FGF. Carpla đã gia nhập thị trường từ năm 2023, với mục tiêu xây dựng nền tảng mua bán xe đã qua sử dụng O2O (online to offline) và cung cấp dịch vụ tài chính, bảo hiểm. Không chỉ kinh doanh xe cũ theo mô hình truyền thống của nhiều trang thương mại điện tử trước đó, doanh nghiệp này có cả một hệ sinh thái với các dịch vụ đi kèm như hậu mãi, phụ tùng, phụ kiện xe, đăng ký xe, phân tích thị trường, định giá và đấu giá xe v.v… tất cả đều trọn vẹn ở 1 điểm đến (One Stop Shop).

Khu vực showroom của Carpla ở Phạm Văn Đồng. Nguồn: Carpla.
Khu vực showroom của Carpla ở Phạm Văn Đồng. Nguồn: Carpla.

Điểm nhấn của Carpla là chất lượng xe cũ đầu vào được kiểm tra kỹ càng, công khai, minh bạch số km xe đã di chuyển, năm sản xuất, tình trạng xe, lịch sử qua các đời chủ xe trước đó. Đặc biệt doanh nghiệp này sẵn sàng có những cam kết đảm bảo chất lượng xe được bán ra.

Trong khi đó, FGF là doanh nghiệp cho thuê ô tô có tốc độ phát triển mạnh mẽ hàng đầu Việt Nam với dàn xe điện VinFast hiện đại và dịch vụ chuyên nghiệp. Nhằm mở rộng hệ sinh thái và cung cấp cho khách hàng lựa chọn mới, FGF chính thức tham gia vào thị trường kinh doanh ô tô đã qua sử dụng thông qua hợp tác với VinFast.

Tất cả xe bán ra từ FGF đều được kiểm định và đánh giá trực tiếp từ nhà máy và các xưởng dịch vụ của VinFast với 139 tiêu chí khắt khe. Cùng với chứng nhận chất lượng từ chính hãng, FGF cũng cung cấp minh bạch lịch sử vận hành xe đã qua sử dụng trước khi bán ra thị trường, đảm bảo xe có giá trị tương xứng với giá bán.

Về hệ thống kinh doanh, FGF sẽ hợp tác với mạng lưới nhà phân phối chính hãng VinFast sẵn có đang phủ khắp cả nước để thuận lợi trong tiếp cận khách hàng. Trước mắt, FGF sẽ triển khai 6 điểm giao dịch ô tô điện VinFast đã qua sử dụng với các mẫu xe VF e34, VF 7, VF 8 và VF 9 tại TP Hà Nội, TP Vinh và TP Hải Phòng. Trong tương lai, FGF sẽ mở rộng mạng lưới showroom ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các đối tác tiềm năng khác để cùng phát triển mạng lưới cung cấp ô tô điện VinFast đã qua sử dụng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: VinFast.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: VinFast.

Khác với thị trường xe mới, người mua nhận được bảo hành chính hãng với thời gian dài thì ở các sàn xe cũ, những rủi ro sẽ tồn tại rất nhiều. Bằng chứng là rất nhiều vụ việc tranh chấp đã xảy ra giữa khách hàng và đại lý bán xe cũ. Với xu thế phát triển của công nghệ, mỗi sàn thương mại điện tử hiện đều cung cấp các công cụ tìm kiếm và lọc sản phẩm thông minh, giúp người mua dễ dàng tìm kiếm được chiếc xe phù hợp với nhu cầu và tài chính của mình. Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là sự uy tín của doanh nghiệp đó.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordorintelligence, quy mô thị trường ô tô cũ Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 12,80 tỷ USD vào năm 2025 và tăng trưởng với tốc độ CAGR là 17,20% để đạt 28,30 tỷ USD vào năm 2030. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường xe cũ Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng này, các doanh nghiệp cần nghiên cứu đưa ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng cho những chiếc xe được rao bán trên trang của mình, đồng thời cần đảm bảo các tiêu chí hồ sơ pháp lý an toàn, minh bạch tình trạng xe v.v...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate