September 20, 2023 | 09:27 GMT+7

Tiềm năng “xuất ngoại” của sản phẩm trang trí nội thất Việt

Tuệ Mỹ -

Theo Statista, ngành kinh doanh nội thất và sản phẩm nội thất tại Việt Nam được dự báo có doanh thu khoảng 793 triệu USD vào năm 2023. Tuy nhiên, ngành hàng vẫn còn nhiều lợi thế chưa được khai thác từ nguồn lực nội địa lẫn nhu cầu thị trường toàn cầu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thị trường sản phẩm trang trí nhà trực tuyến đang trải qua một quỹ đạo tăng trưởng phi thường, được thúc đẩy bởi sự đầu tư của người tiêu dùng và những tiến bộ trong công nghệ. Với mức định giá 171,0 tỷ USD vào năm 2022, thị trường toàn cầu dự kiến sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,0% từ năm 2023 đến năm 2031, đạt ước tính 313,5 tỷ USD vào năm 2031, theo nghiên cứu thị trường do Transparency Market Research thực hiện.

TOP NHỮNG MẶT HÀNG BÁN CHẠY NHẤT

Tại Vương quốc Anh, lĩnh vực này đã giúp chi tiêu tiêu dùng phục hồi lên mức cao hơn so với thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Một cuộc khảo sát gần đây do công ty tư vấn Accenture thực hiện tại 20 quốc gia cho thấy, hơn 2/3 số người được hỏi khẳng định trong thời gian tới, hầu hết các hoạt động xã hội của họ sẽ diễn ra tại nhà của chính họ hoặc tại nhà của bạn bè. Theo các chuyên gia, đây không phải là điều quá ngạc nhiên, bởi người dân đang phải dành nhiều thời gian ở nhà hơn do ảnh hưởng bởi thói quen thời đại dịch và để hạn chế chi tiêu thời lạm phát.

Các nhà bán lẻ trực tuyến đang thúc đẩy sự tăng trưởng này bằng cách cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như giao hàng miễn phí, trả lại dễ dàng, đổi đồ nội thất, giảm giá và hoàn tiền. Trong khi đó, các công nghệ mới nổi như thực tế ảo và thực tế tăng cường, sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số đang mang đến cơ hội sinh lời cho những người tham gia thị trường.

Các nhà sản xuất và nhà cung cấp đang tận dụng những công nghệ này không chỉ để mở rộng việc bán sản phẩm của họ trên các trang web thương mại điện tử khác nhau mà còn nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng các công cụ thiết kế nội thất ảo.

Tại Việt Nam, mặt hàng trang trí nội thất tăng trưởng vượt bậc trong 3 năm qua.
Tại Việt Nam, mặt hàng trang trí nội thất tăng trưởng vượt bậc trong 3 năm qua.

Theo nghiên cứu của Amazon, trong năm 2022, “trang trí tường, trang trí nhà bếp, trang trí phòng tắm” là những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong danh mục nội thất và trang trí nhà cửa. Các chủng loại sản phẩm trong ngành hàng này cũng đa dạng từ sản phẩm trang trí bằng gỗ, sứ, sơn mài, thêu, nến, trang sức và các sản phẩm thủy tinh.

Các nhà phân tích nhận định người dân Mỹ mua sắm đồ gia dụng và đồ trang trí trên các nền tảng trực tuyến mỗi ngày. Theo Statista, thị trường trang trí nội thất Mỹ cả trực tiếp và trực tuyến được dự báo sẽ đạt 194,9 tỷ USD vào năm 2023.

Tại Việt Nam, hàng trang trí nhà cửa và nội thất tăng trưởng vượt bậc trong 3 năm qua và liên tục vào top những mặt hàng bán chạy nhất trên các kênh thương mại điện tử, mang đến cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp. Từ chổi cỏ, giỏ lục bình, sản phẩm decor tường/trần đến ghế và kệ, các sản phẩm trang trí nhà cửa “Made in Vietnam” đã và đang thu hút khách hàng trên Amazon, liên tục nằm trong danh mục mặt hàng bán chạy nhất của người bán hàng Việt.

Còn trên nền tảng Alibaba, các sản phẩm gia dụng và làm vườn là một trong ba danh mục sản phẩm Việt Nam phổ biến nhất. Trong quý 2, lượng người mua tiềm năng đối với các sản phẩm Việt Nam thuộc danh mục này đã tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Theo Alibaba, các mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất là bộ đồ ăn, đồ dùng nhà bếp, đồ dệt gia dụng và những các sản phẩm lưu trữ thiết thực, giá cả phải chăng.

Chuyên bán các sản phẩm sắt rèn như hàng rào, lan can, Nguyên Phong Metal đã mở được kênh xuất khẩu lớn trên nền tảng này. Theo Giám đốc Kinh doanh Phạm Nguyễn Lê Uyên, đơn hàng đầu tiên của họ trên Alibaba ba năm trước trị giá 45.000 USD, kể từ đó, doanh thu xuất khẩu online của công ty đã tăng gấp đôi doanh thu nội địa. Tương tự, thương hiệu BeeFurni từ một nhà sản xuất truyền thống đã trở thành chủ sở hữu thương hiệu và nhà xuất khẩu trên Amazon, với doanh thu tăng 300% trong năm 2022 so với năm trước đó.

TỪ NHỮNG GÌ VIỆT NAM CÓ

Mới đây, tại Hội chợ Triển lãm Nội thất và Thủ công Mỹ nghệ Paris 2023 (Maison & Objet-Paris 2023), 21 doanh nghiệp nội thất, trang trí Việt Nam tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại cụm gian hàng rộng 300m2. 

Các mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất là bộ đồ ăn, đồ dùng nhà bếp, đồ dệt gia dụng và những các sản phẩm lưu trữ.
Các mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất là bộ đồ ăn, đồ dùng nhà bếp, đồ dệt gia dụng và những các sản phẩm lưu trữ.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM, tiêu chí lựa chọn sản phẩm tham gia triển lãm là phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu uy tín. Ưu tiên các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm đã xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu, có các chứng chỉ như: Better Work, SA8000, ICS, BSCI, SMETA, MAS Certified Green, FSC, FEMB, Green Label…

Đại diện Ban tổ chức, bà Fleur Vanbésien, Giám đốc Bán hàng, nhận định: "Việt Nam là một nước có thế mạnh về khả năng sáng tạo đồ nội thất và trang trí nhà cửa, đặc biệt là các sản phẩm gỗ và sơn mài, không chỉ được sản xuất thủ công mà cả trên dây chuyền công nghiệp". Bà Vanbésien cho rằng hội chợ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì đây là nơi gặp gỡ của các nhà sản xuất chuyên nghiệp quốc tế về trang trí nội thất và nghệ thuật sống.

Lần đầu tiên mang sản phẩm đến Pháp, anh Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Phụ trách Bán hàng của hãng Landco cho biết bộ sưu tập nội thất mà công ty giới thiệu tại hội chợ lần này mang biểu tượng bông lúa, với mong muốn khách hàng nhìn nhận doanh nghiệp có thể kết hợp các loại vật liệu đa dạng thành một sản phẩm tổng hòa có chất lượng và bản sắc Việt. Còn bà Mai Hiền, Giám đốc Công ty Nội thất Hiền Nguyên Vi, lại có tham vọng tìm kiếm khách hàng và mẫu mã mới cho các sản phẩm mây tre đan của mình, nhằm giúp phát triển làng nghề, tạo nguồn thu cho bà con nông dân trong nước.

Trước đó, hội thảo dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam Đông Nam Á 2023 (VIFA ASEAN 2023) cho thấy, với khoảng 1.500 làng nghề thủ công, nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cùng lợi thế về chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất đồ nội thất trang trí Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác những lợi thế và tiềm năng này, các chuyên gia cho rằng sự kết hợp hài hòa giữa “những gì Việt Nam có” và “những gì thị trường quốc tế mong đợi” là điều quan trọng.

Việt Nam có thế mạnh về khả năng sáng tạo đồ nội thất và trang trí nhà cửa, không chỉ được sản xuất thủ công mà cả trên dây chuyền công nghiệp.
Việt Nam có thế mạnh về khả năng sáng tạo đồ nội thất và trang trí nhà cửa, không chỉ được sản xuất thủ công mà cả trên dây chuyền công nghiệp.

Ví dụ, để có được một sản phẩm trang trí thân thiện với môi trường từ mây, tre, cói, các nhà sản xuất phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc nâng cao quy trình sản xuất để xử lý các nguyên liệu vốn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ độ ẩm và côn trùng. Đối với đồ nội thất sử dụng vật liệu tổng hợp thì cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về sản phẩm của nền tảng thương mại điện tử cũng như các cơ quan địa phương. Đồ nội thất dành cho trẻ em thì cần được quan tâm đến độ an toàn, tuân thủ các tiêu chuẩn như CPSC/CPSIA, ANSI tại Mỹ và chứng chỉ CE cho thị trường châu Âu...

Bên cạnh đó, thiết kế và phong cách là những yếu tố quan trọng đối với các sản phẩm nội thất vì chúng phản ánh tính cách, lối sống và tâm trạng của người dùng. Chính vì vậy, người bán cần tìm kiếm và theo dõi các xu hướng trang trí nhà cửa và nội thất trên thế giới…

“Chu kỳ phát triển và chuẩn bị hàng tồn kho cho các sản phẩm nội thất thường dao động từ 30 đến 60 ngày và có thể điều chỉnh dựa trên điều kiện nguồn cung ứng và xu hướng mua hàng trong mùa thấp điểm và cao điểm,” ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhắc nhở. “Việt Nam cần tạo ra mạng lưới liên kết với các công ty, đại lý phân phối sản phẩm, tạo dựng thương hiệu riêng để thu hút khách hàng”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate