Thị trường yếu đi đáng kể trong phiên chiều chủ yếu do nhóm VN30 quá kém. Tuy nhiên các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn sôi động, đặc biệt Midcap chứng kiến dòng tiền vào mạnh nổi bật, vươn lên chiếm tỷ trọng 41,4% khớp lệnh toàn sàn HoSE, vượt cả VN30.
Thị phần của rổ Midcap hôm nay là cao nhất lịch sử, dù thanh khoản thì chưa. Tổng giá trị khớp của rổ đạt 8.990,3 tỷ đồng, chỉ sau phiên kỷ lục 12.900 tỷ đồng hôm 20/8 vừa qua.
Mặc dù giá trị giao dịch chưa lập được kỷ lục mới, nhưng tính theo tỷ trọng, phiên hôm nay Midcap đã lập kỷ lục. Lý do là tại phiên kỷ lục ngày 20/8, dòng tiền trên toàn thị trường rất cao. Rổ VN30 thu hút thanh khoản cực lớn nên Midcap hôm đó chỉ chiếm 35% sàn. Hôm nay thanh khoản co rút mạnh ở rổ blue-chips nên Midcap giành được thị phần nổi bật.
KBC là cổ phiếu giao dịch lớn nhất rổ Midcap và lớn thứ 3 thị trường, đạt 25,98 triệu cổ phiếu tương đương 1.093,6 tỷ đồng. KBC chính thức lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh và là phiên đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng ngàn tỷ đồng.
Giá KBC cũng tăng mạnh 6,1%, chủ yếu nhờ lực mua lớn xuất hiện đợt ATC. Riêng đợt này KBC khớp 29,75 tỷ đồng, giá được kéo mạnh từ 41.850 đồng lên 42.600 đồng, tăng thêm 1,8%. Nếu không có đợt ATC này giá được đẩy lên, KBC thực chất là bị chốt lời rất nhiều và trượt dốc dần. Đỉnh giá của KBC trong phiên là 42.950 đồng ngay từ lúc 11h15 sáng. Cho đến cuối đợt khớp lệnh liên tục, KBC đã trượt dần xuống 41.800 đồng trước khi nảy trở lại.
Cổ phiếu này bị chốt mạnh một phần vì đã có nhịp tăng 5 phiên liền tới 18,66% và giá cao nhất hôm nay cũng xấp xỉ đỉnh đầu năm 2021 và cũng là đỉnh cao nhất 12 năm. Khối ngoại xả tổng cộng gần 1,16 triệu KBC và mức bán ròng đạt 37,2 tỷ đồng. Áp lực bán của khối ngoại vẫn là rất nhỏ so với tổng thanh khoản của mã này.
KBC thuộc nhóm một số cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đang rất nóng. Hôm nay ITA còn tăng kịch trần với mức thanh khoản cao nhất 2 tháng. Trong vòng T+3 gần nhất ITA cũng đã tăng 12,6%. Các mã như LHG, SZC, SZL... phân hóa giá nhưng cũng đều có những phiên tăng mạnh trước đó.
Rổ Midcap hôm nay ngoài KBC, đóng góp thêm DIG, APH vào Top 10 giá trị khớp lệnh toàn thị trường. Rổ Smallcap đóng góp NKG vào top 10, còn lại là các mã thuộc VN30. Rổ Smallcap cũng chứng kiến mức thanh khoản khá cao với 4.073,3 tỷ đồng khớp lệnh, chiếm tỷ trọng 18,7% sàn HoSE. Đây cũng là thị phần kỷ lục của rổ này, dù đỉnh thanh khoản là hôm 20/8 vừa qua với 5.206 tỷ đồng, nhưng hôm đó thị phần chỉ chiếm 14,1%.
Chỉ số Midcap đóng cửa tăng 0,53%, tụt nhẹ so với thời điểm cuối phiên sáng. Smallcap đóng cửa tăng 0,61%, cũng là trượt giảm một chút (cuối phiên sáng tăng 0,94%). Yếu nhất là rổ VN30, chỉ số đóng cửa giảm 0,17% trong khi cuối phiên sáng còn tăng 0,1%.
Rổ VN30 đóng cửa đã có số mã giảm giá nhỉnh hơn số tăng, 15/14. Trụ HPG của chỉ số này buổi sáng, sang chiều biến động mạnh và có một nhịp lao dốc rất nhanh từ đỉnh 49.700 đồng (tăng 2,05%) đầu phiên chiều xuống 48.800 đồng, chỉ trên tham chiếu đúng 1 bước giá, trước khi nảy trở lại đợt ATC và tăng 1,23%.
Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng lao dốc hàng loạt, duy nhất VCB là tăng ngược so với phiên sáng. Cổ phiếu này chốt phiên sáng giảm 0,91%, kết phiên tăng 0,1%. Thế nhưng đây là kết quả của cú giật giá mạnh đợt ATC. So giữa hai phiên, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng blue-chips sụt giảm hơn 1% như HDB giảm thêm 2,08%, kết phiên giảm 2,81% so với tham chiếu; CTG giảm thêm 1,24%, kết phiên giảm 1,55%; MBB giảm thêm 1,24%, đóng cửa giảm 1,76%; STB giảm thêm 1,62%, chốt giảm 1,97%; TCB giảm thêm 1,12%, đóng cửa giảm 1,42%; TPB giảm thêm 1%, chốt phiên giảm 1,59%.
Nhìn chung blue-chips hôm nay không có trụ mạnh. GAS tăng 2,17%, GVR tăng 3,06%, HPG tăng 1,23%, MSN tăng 1,81%, SAB tăng 1,9% thì một nửa là có đợt kéo mạnh ATC, đồng thời cũng chủ yếu đỡ VN-Index. Chỉ số này đóng cửa tăng nhẹ 0,25%. Độ rộng của sàn HoSE vẫn khá tốt với 206 mã tăng/186 mã giảm. Tuy vậy ngay cả rổ Smallcap cũng đã thu hẹp, còn 98 mã tăng/72 mã giảm, Midcap là 36 mã tăng/29 mã giảm, đều kém hơn phiên sáng.