Những nhịp trồi sụt vẫn xuất hiện trong phiên cuối tuần nhưng độ rộng thị trường một lần nữa thể hiện xu hướng giao dịch giằng co. VN-Index “rướn” lên đỉnh cao nhất 1.196,85 điểm trong buổi sáng, và trở ngại từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang gây khó khăn.
GAS lao dốc giảm 2,4% không đại diện hết cho nhóm dầu khí, VCB giảm 1,19%, CTG giảm 1,98% không đại diện hết nhóm ngân hàng. Cổ phiếu tiếp tục phân hóa mạnh trong phiên hôm nay, chỉ có các chỉ số là chịu sức ép.
VN-Index kết phiên lại để mất 3,4 điểm tương đương 0,29%, giảm trở lại mốc 1.185,48 điểm. VN30-Index giảm 0,41%. Dù các chỉ số này đều đỏ, nhưng độ rộng thì không xấu: HoSE có 239 mã tăng/223 mã giảm, VN30 có 13 mã tăng/14 mã giảm.
Vấn đề còn lại là trụ. GAS, VCB, CTG đều thuộc Top 10 vốn hóa lớn nhất của VN-Index, lại cùng giảm khá sâu. GAS sau phiên tăng 5% hôm qua đã trả lại gần một nửa điểm số. Giá dầu lao dốc khá mạnh đêm qua là yếu tố bất lợi. Dù vậy nhiều mã dầu khí khác vẫn tăng khá tốt như BSR tăng 2,19%, PCG tăng 1,45%, POS tăng 1,54%, PVO tăng 1,15%, PLX tăng 0,25%... Lợi thế thanh khoản thấp đã giúp các cổ phiếu này vẫn trên tham chiếu, đồng thời cho thấy cũng không có sức ép giống như GAS.
Nhóm ngân hàng có 11/27 mã tăng giá, với 6 mã tăng trên 1%. Hạn chế chính vẫn là các blue-chips lại giảm, trong đó TPB, TCB, VCB, VPB cũng đỏ.
Hiện tượng phân hóa xuất hiện hầu khắp các nhóm cổ phiếu, từ chứng khoán tới bất động sản, thậm chí là cả nhóm hóa chất. Trong bối cảnh thanh khoản đang quá kém, cung cầu với cổ phiếu có thể thay đổi thất thường nên rất khó diễn biến giống nhau cho cả nhóm ngành.
Hai sàn niêm yết hôm nay tiếp tục thiết lập kỷ lục thanh khoản thấp mới, với xấp xỉ 9.530 tỷ đồng khớp lệnh, giảm 1,3% so với hôm qua. Tuy nhiên khối lượng giao dịch thì đã tăng 8,3%, đạt 465,8 triệu đơn vị. Như vậy giao dịch có xu hướng tìm được giá ở nhóm vốn hóa nhỏ, thị giá thấp.
Chỉ số Midcap chốt phiên vẫn xanh nhẹ 0,21%, Smallcap tăng 0,44%. Giao dịch ở Midcap tăng 8,2% về giá trị so với hôm qua, Smallcap giảm không đáng kể 7% nhưng VN30 giảm tới 13%. VND bất ngờ trở thành cổ phiếu thanh khoản tốt nhất với gần 26,6 triệu cổ và 457,4 tỷ đồng, giá cũng tăng 1,47%. Mức thanh khoản này cao hơn bình quân 20 phiên gần nhất khoảng 66% và trong 8 phiên trở lại đây VND đạt thanh khoản nổi bật. Tuy nhiên đây cũng không phải là điển hình cho nhóm chứng khoán, SSI là ví dụ, giá chỉ tăng 0,54% và thanh khoản chỉ bằng một phần ba mức trung bình 20 phiên.
Các cổ phiếu trụ bị ép khá mạnh đang tạo tình huống dập dình của VN-Index ngay sát đáy và thanh khoản tạo tình thế “mong manh” có thể tăng giảm bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên với cổ phiếu cụ thể, diễn biến vẫn có điểm tích cực. Những mã đang gia tăng thanh khoản so với chính nó có thể là dấu hiệu của dòng tiền âm thầm tích lũy.
Thị trường đang bước vào những ngày cuối cùng của tháng 6, nghĩa là kết quả kinh doanh quý 2/2022 có thể đã được ước tính. Tuần này hai phiên liên tiếp giá trị khớp lệnh HoSE và HNX tụt xuống dưới ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng, nhưng thị trường vẫn chưa thể hiện sự rối loạn nghiêm trọng nào. Điều đó đồng nghĩa với cung cầu đang tạm thời cân bằng ở vùng hỗ trợ, với tâm lý không quá nặng nề.
Khối ngoại hôm nay giao dịch khá cân bằng với mức bán ròng 82,3 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 21 tỷ trên HNX và 5,5 tỷ trên HNX. STB, KBC, VCI, MSN, NLG là những cổ phiếu được mua ròng tốt nhất, trong khi NVL, HPG, MWG, HDB, VHM, VCB và SSI đều bị bán ròng từ 20 tỷ đến 40 tỷ đồng.