Ngày 18/3, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình công bố các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 và Phát động Giải chạy hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023...
NHIỀU HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết năm 2023, trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3), Bộ Công Thương chủ trì tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất với thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
“Bằng thông điệp này, chúng tôi mong muốn tất cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trên toàn quốc hãy chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng An kêu gọi.
Giờ Trái đất là hoạt động xã hội do Bộ Công Thương chủ trì từ năm 2009, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng thông qua việc khuyến khích các hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh tắt đèn điện cũng như các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 60 phút.
Qua 14 năm tổ chức, Giờ Trái đất tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên toàn quốc.
Các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất ngày càng phong phú và thiết thực, từ tổ chức truyền thông, tuyên truyền, ký thỏa thuận tự nguyện về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải, tắt đèn trong 1 giờ, đến lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, trao tặng cây xanh cho người dân, tập huấn kỹ năng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong trường học…
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những hoạt động trên cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng nói chung về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững, hướng tới một tương lai xanh, một Việt Nam xanh.
Nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch đã được Bộ Công Thương tổ chức trong tháng 3 này, bao gồm: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Giờ trái đất lần đầu tiên được tổ chức trên nền tảng trang thông tin điện tử Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp tắt đèn 60 phút từ 20:30 đến 21:30 thứ bảy ngày 25/3 và Giải chạy hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất sáng ngày 18/3, cùng với đó là các hoạt động truyền thông, cam kết tiết kiệm năng lượng của các tổ chức và doanh nghiệp trên toàn quốc.
“Giải chạy hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất với sự tham dự của hơn 1.000 vận động viên chuyên và không chuyên sẽ góp thêm một tiếng nói, lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” đến với cộng đồng cùng tham gia hưởng ứng chiến dịch, thực hành tiết kiệm điện thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm, đưa việc tiết kiệm điện trở thành một thói quen ở mọi lúc mọi nơi”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Tổ chức mong muốn thông qua giải chạy này, các vận động viên không chỉ là người tham gia hưởng ứng sự kiện mà sẽ trở thành những đại sứ lan tỏa mạnh mẽ, sôi nổi tinh thần thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” để 365 ngày trong năm đều là Giờ Trái đất.
TIẾT KIỆM VÀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG MỘT CÁCH KHÔN NGOAN
Chia sẻ tại lễ phát động, bà Kristina Bünde, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết thật ấn tượng và tuyệt vời khi thấy rất nhiều người tham gia Giải chạy vì hiệu quả năng lượng, đây chính là động lực để cam kết vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Với Chiến lược cửa ngõ toàn cầu và Nghị trình về Thỏa thuận xanh, Liên minh châu Âu hiện đang đi tiên phong trong các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Bằng cách chuyển đổi EU thành một nền kinh tế carbon thấp, EU muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của mình, bao gồm không khí và nước sạch hơn, sức khỏe tốt hơn và một môi trường tự nhiên khỏe mạnh.
Cho đến nay đã có 4 triệu “việc làm xanh” ở EU, trong đó có 3 triệu việc làm liên quan đến năng lượng tái tạo. Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là một mục tiêu đầy tham vọng rất đáng hoan nghênh. Để đạt được mục tiêu này, ngành năng lượng sẽ cần phải được chuyển đổi, vì ngành năng lượng hiện đang đóng góp khoảng 60% vào lượng phát thải.
Theo bà Kristina Bünd, cơ hội tiết kiệm năng lượng có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, tại nơi làm việc và ở nhà, thường chỉ cần những khoản đầu tư rất nhỏ hoặc chỉ cần thay đổi tư duy… ai cũng đều có thể có đóng góp.
“Liên minh châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hướng tới một tương lai sạch, xanh và bền vững. Chúng tôi cung chuyên môn, kỹ thuật trong các lĩnh vực như hiệu quả năng lượng, cấp hỗ trợ năng lượng tái tạo, dữ liệu năng lượng và an ninh năng lượng. Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng một cách khôn ngoan, hiệu quả là đặc điểm cốt lõi trong hỗ trợ của chúng tôi”, bà Kristina Bünde nhấn mạnh.