VnDirect vừa có báo cáo triển vọng ngành tiêu dùng trong đó nhấn mạnh chi tiêu của người tiêu dùng đang chậm lại dự kiến đến Qúy 3/2023 trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng chậm, lãi suất tăng và đồng VND yếu.
Theo đó, xu hướng cầu tiêu dùng dồn nén đang giảm dần trong môi trường lãi suất tăng và đồng VND yếu khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao.
Bên cạnh đó, “hiệu ứng tài sản” - hiện tượng tâm lý liên quan đến sự thay đổi trong cách thức chi tiêu của người tiêu dùng khi giá trị tài sản chưa thực hiện gia tăng mạnh khi tất cả các kênh đầu tư gồm thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, thị trường tài sản kỹ thuật số…) đều tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021.
Vì thế, khi tất cả các thị trường này đều bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh trong năm nay, khiến giá trị tài sản chưa thực hiện quay đầu giảm sẽ làm giảm sức tiêu dùng người dân.
Hầu hết các ngành thâm dụng lao động đang phải đối mặt với những áp lực lớn. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến dệt may, da giày, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ… phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Từ cuối T11/22, nhà sản xuất giày dép Đài Loan, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - công ty lớn nhất TP.HCM về số lượng lao động với hơn 50.000 công nhân đã cho công nhân nghỉ luân phiên trong 3 tháng tới do cắt giảm đơn hàng.
Một trong những trung tâm công nghiệp phía Nam, trong 10T22, khoảng 28.000 công nhân phải tạm hoãn hợp đồng lao động và 240.000 người bị giảm giờ làm, tương đương khoảng 20% lực lượng lao động tại Bình Dương bị ảnh hưởng bởi suy thoái và tỷ trọng này có thể tăng lên trong thời gian tới.
Một số nhà bán lẻ phát đi tín hiệu về sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng kể từ T10/22. MWG công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với sự sụt giảm rõ rệt về nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng và điện thoại di động, trong khi mảng tạp hóa vẫn đang trong giai đoạn phục hồi.
VnDirect ước tính tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ Q3/23 nhờ 1) tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2023 khi lãi suất điều hành Fed dần hạ nhiệt, 2) biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, tiêu dùng phục hồi tại khu vực EU và Hoa Kỳ mang lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam và 4) ngày 11/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với thông tin kể từ 23/7, lương cơ sở sẽ tăng 20,8% so với hiện hành lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, có thể làm tăng thu nhập của cán bộ, công chức Việt Nam.
Nhóm hàng hóa xa xỉ có thể ít rủi ro hơn trong bối cảnh nhu cầu suy giảm. Thông thường, trong khi chi tiêu của những người tiêu dùng có thu nhập thấp bị siết chặt bởi lạm phát, thì những người giàu có thường là những người cuối cùng cảm nhận được tác động từ các ảnh hưởng tiêu cực này vì quy mô tài sản lớn mà họ đang nắm giữ.
Theo Statista, thị trường hàng hóa cao cấp cá nhân của Việt Nam đạt 976 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng 6,7% mỗi năm lên mức 1 tỷ USD vào năm 2025. Một báo cáo khác của Knight Frank cho biết có khoảng 72.135 cá nhân tại Việt Nam có quy mô tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2021.
Dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi nhưng thị trường xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ (như du lịch cao cấp, trang sức, xe hơi, sản phẩm kỹ thuật số cao cấp…).
Trên cơ sở đó, VnDirect ưa thích các cổ phiếu có 1) vị thế tiền mặt ròng để ít rủi ro hơn các cổ phiếu khác trong thời điểm không ổn định và 2) ít bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng so với các công ty cùng ngành nhờ hoạt động kinh doanh với phân khúc hàng xa xỉ. Hai cổ phiếu PNJ và VRE là những cổ phiếu hấp dẫn để đưa vào danh mục.
Rủi ro cho đầu tư gồm tiêu dùng Việt Nam suy thoái lâu hơn dự kiến do tác động kéo dài của suy thoái toàn cầu và những biến động vĩ mô của Việt Nam. Việc dự trữ quá nhiều hàng tồn kho đã lỗi thời khi nhu cầu đạt đỉnh trong đại dịch khiến chi phí thanh lý hàng tồn kho tăng lên. Chi phí tài chính cao hơn dự kiến do lãi suất và tỷ giá hối đoái tăng.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến, đặc biệt là đối với các sản phẩm của Apple sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà bán lẻ và nhà phân phối CNTT.