Sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước khoảng 180 nghìn tấn. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên vụ vải thiều được thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, các địa phương cách ly xã hội nên đã khiến việc tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương, ban ngành có giải pháp thiết thực, cụ thể giúp nông dân tiêu thụ thuận lợi. Hiện, từ hạ tầng giao thông, xúc tiến thương mại đến các dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ đều đã cơ bản đi vào vận hành.
VẢI CHÍN SỚM, TIÊU THỤ THUẬN LỢI
Thời điểm này, nông dân các huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn bắt đầu thu hoạch vải sớm. Hiện tại, giá vải bán tại vườn khoảng từ 18 - 25 nghìn đồng/kg, tiêu thụ khá thuận lợi.
Cụ thể, tại xã Phúc Hòa (Tân Yên), đại diện lãnh đạo UBND xã cho biết, trên địa bàn xã có 20 điểm cân vải, tiêu thụ từ 250 đến 500 tấn/ngày. Vải chủ yếu được các thương nhân thu mua sang thị trường Trung Quốc. Việc thu hoạch, tập kết, vận chuyển tiêu thụ được thực hiện bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19.
Còn tại huyện Lục Ngạn, thời điểm này mới chỉ có một số diện tích vải sớm tại các xã: Quý Sơn, Tân Mộc, Phượng Sơn, Nam Dương… cho thu hoạch. Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu Hùng Thảo, thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn là đầu mối thu mua lớn nhất với số lượng từ 18 đến 20 tấn/ngày, giá từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg để giao cho Hệ thống siêu thị Co.opmart.
Năm nay, toàn tỉnh có hơn 6 nghìn ha vải thiều sớm, sản lượng ước đạt hơn 45 nghìn tấn. Diện tích vải sớm tập trung nhiều ở Tân Yên và Lục Ngạn. Dự kiến thời gian thu hoạch vải sớm từ nay đến hết ngày 5/6.
HỖ TRỢ XUẤT KHẨU VẢI TẠI CỬA KHẨU
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng vừa thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Theo đó, hai tổ này thường trực có mặt tại cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn để nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu.
Các tổ phải thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu vải thiều các quy định, điều kiện về người, phương tiện và hàng hóa vận chuyển, lưu thông đi đến cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.
Được biết, năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 45 nghìn tấn vải sang thị trường Trung Quốc. Hiện lực lượng hải quan của các đơn vị tạo điều kiện thuận nhất giúp thông quan quả vải thiều (vải được ưu tiên qua luồng xanh đi trước, sau khi vải thông quan hết mới đến các hàng hóa khác làm thủ tục).
Ban Quản lý cửa khẩu cũng chỉ đạo cán bộ làm trước giờ hành chính để phục vụ giải quyết sớm các thủ tục thông quan cho quả vải thiều. Do đó, thời điểm này vải thiều được xuất khẩu sang Trung Quốc rất thuận lợi.
ĐẢM BẢO CÁC DỊCH VỤ PHỤ TRỢ
Cùng với nỗ lực xây dựng vùng vải an toàn dịch bệnh, dịch vụ phụ trợ cũng được các địa phương quan tâm. Hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 3 đơn vị đã đầu tư dây chuyền bảo quản vải thiều gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, công suất từ 10 - 20 tấn/ngày, khoảng 600 tấn/vụ (thời gian bảo quản tối đa 30 ngày); Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Giang có dây chuyền cấp đông, công suất khoảng 20 tấn/ngày, cả vụ đạt khoảng 600 tấn (bảo quản được từ 15 - 20 ngày); Hợp tác xã Tâm Thịnh với dây chuyền công suất đạt khoảng 10 - 20 tấn/ngày, ước cả vụ bảo quản khoảng 600 tấn (thời gian bảo quản được khoảng từ 15 - 20 ngày).
Cùng với dây chuyền, thiết bị bảo quản, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng sản xuất thùng xốp, đá cây, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thương nhân đến thu mua vải thiều.
Được biết, huyện Lục Ngạn hiện có 4 công ty sản xuất thùng xốp, 35 kho xốp và 42 cơ sở sản xuất đá cây. Cùng đó, 300 cơ sở đóng gói vải thiều của Bắc Giang (Tân Yên 19 cơ sở, Yên Thế 15, Lục Nam 26, Lục Ngạn 237 và TP Bắc Giang 3 cơ sở) đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất cho vụ vải.