July 06, 2023 | 10:09 GMT+7

TikTok đã chặn, gỡ bỏ hàng trăm link vi phạm, thông tin sai sự thật

Nhĩ Anh -

Tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, Youtube, TikTok…) trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 93%, tăng 01% so với năm 2022...

TikTok đã chặn, gỡ bỏ 407 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%).
TikTok đã chặn, gỡ bỏ 407 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%).

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều tối ngày 5/7, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đối với công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.468 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 90%).

Ngoài ra, gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, gỡ 54 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.

Đối với Google đã gỡ 5.390 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 94%). Ngoài ra, chặn 02 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV).

Riêng với TikTok đã chặn, gỡ bỏ 407 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%). Trong đó, có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

 
Lần đầu tiên tổ chức một cuộc kiểm tra toàn diện đối với TikTok tại Việt Nam. Hiện nay đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và sẽ công bố trong tháng 7.

Trước đó, tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng các nội dung xấu độc được gỡ bỏ trên nền tảng mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới là cao nhất từ trước tới nay.

Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên tổ chức được một cuộc kiểm tra toàn diện đối với TikTok tại Việt Nam.

Với sự vào cuộc của nhiều Bộ, ban, ngành kiểm tra, chia sẻ trách nhiệm quản lý nền tảng xuyên biên giới, đây cũng là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể. Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và sẽ công bố trong tháng 7. Các thông tin về kết quả kiểm tra toàn diện TikTok sẽ được chia sẻ trong họp báo thường kỳ của Bộ tháng 8.

TikTok đã chặn, gỡ bỏ hàng trăm link vi phạm, thông tin sai sự thật - Ảnh 1

Trước đây nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, nhiều nội dung độc hại đã phát triển mạnh mẽ trên TikTok. Các nội dung độc hại trên TikTok cũng rất dễ tạo thành trend (xu hướng) ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và người dùng.

Trong khi đó, TikTok cũng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là bản quyền phim, cùng với đó là các thông tin tự ý sử dụng hình ảnh, vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Không chỉ vậy, nền tảng này còn dung túng cho nhiều hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, các hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ đã phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm….

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới áp dụng công nghệ rà quét tự động với quảng cáo. Tuy nhiên, hầu hết các nền tảng áp dụng công nghệ phân phối quảng cáo tự động bằng AI nên việc tìm quảng cáo vi phạm rất khó.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đàm phán với Facebook và YouTube để triển khai theo quy trình rút gọn. Nếu như trước đây, để gỡ một quảng cáo vi phạm, cần phải chứng minh vi phạm luật nào và chỉ gỡ đúng quảng cáo đó còn hiện nay, cơ quan quản lý chỉ cần gửi một quảng cáo và chứng minh vi phạm, sau đó các quảng cáo có nội dung tương tự đều phải gỡ. Điều này giúp cho kết quả chặn lọc quảng cáo vi phạm đạt cao hơn.

Trong 6 tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử là tập trung hoàn thiện và tham mưu Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý Internet và thông tin trên mạng.

Ngoài ra, trên nền kinh nghiệm xử lý TikTok, sẽ tìm giải pháp nhân rộng, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác. Cơ quan quản lý sẽ thử nghiệm phối hợp với cộng đồng KOL để triển khai chiến dịch truyền thông về phòng chống tin giả trên mạng.

 

Cũng trong nửa năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận tình trạng nhiều chủ thuê bao bị xúc phạm khi từ chối cuộc gọi làm phiền, theo đó hiện nay rất nhiều người dùng nhận được các cuộc gọi rác, như kêu gọi đầu tư chứng khoán, việc nhẹ lương cao, mời mua bất động sản... khi từ chối vì không có nhu cầu, thì các đối tượng thực hiện cuộc gọi còn văng tục, chửi thề, thậm chí là đe doạ người nghe.

Trong tháng 7, Bộ sẽ tiếp tục tập trung xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao và xử lý tập thuê bao đứng tên nhiều SIM không đúng quy định (các chủ thuê bao sở hữu 10 sim/người trở lên).

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Bộ đã ghi nhận phản ánh về hiện tượng nhiều hộ gia đình sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa gây nhiễu trên băng tần miễn cấp phép cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến (433.05-434.79MHz) dẫn đến việc nhiều thiết bị (như smartkey) bị ảnh hưởng do có cùng dải tần...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate