Tòa án Hoa Kỳ đang đứng trước cuộc chiến pháp lý lịch sử. Kết quả cuộc chiến sẽ xác định liệu những lo ngại về an ninh của Hoa Kỳ hay mối quan hệ giữa TikTok và Trung Quốc có thể vượt qua quyền Tu chính án Luật thứ nhất (First Amendment) của 170 triệu người dùng nền tảng hay không, theo CNN Business.
Nếu thua, TikTok có thể bị cấm tại các cửa hàng ứng dụng trừ khi công ty mẹ ByteDance thoái vốn, bán ứng dụng cho bên thứ ba không thuộc Trung Quốc trước ngày 15/1/2025.
Trong bản kiến nghị đệ trình ngày 7/5 tại Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực Quận Columbia, TikTok và Bytedance cáo buộc dự luật ngăn người dùng tiếp cận thông tin hợp pháp.
Bản kiến nghị tuyên bố chính phủ Hoa Kỳ "đã thực hiện hành động chưa từng có và cấm triệt để" ứng dụng video dạng ngắn, vi hiến quyền lực quốc hội.
"Lần đầu tiên trong lịch sử" bản kiến nghị viết, "Quốc hội ban hành đạo luật quy định nền tảng bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc và cấm mọi người dân Hoa Kỳ tham gia vào cộng đồng trực tuyến duy nhất trên thế giới với hơn 1 tỷ người dùng".
Vụ kiện diễn ra sau nhiều năm Hoa Kỳ cáo buộc, mối quan hệ giữa TikTok và Trung Quốc có khả năng làm lộ thông tin cá nhân người dùng với chính phủ “đất nước tỷ dân".
Được biết, Nhà Trắng sau đó đã chuyển một số câu hỏi về tính pháp lý của TikTok lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
CUỘC TRANH LUẬN VỀ DỮ LIỆU
TikTok đã quyết liệt phủ nhận việc công ty cho phép quan chức chính phủ Trung Quốc truy cập vào dữ liệu người dùng Hoa Kỳ. Đồng thời nền tảng cũng thực hiện nhiều cách bảo vệ thông tin cá nhân, thông qua lưu trữ dữ liệu trên máy chủ thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ Oracle.
Những nỗ lực một phần nằm trong thỏa thuận dự thảo dài 90 trang trước Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Hoa Kỳ, cơ quan xem xét hoạt động của TikTok từ năm 2019. Dự thảo thỏa thuận có nội dung, chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấm TikTok nếu phát hiện ByteDance "vi phạm một số nghĩa vụ theo thỏa thuận".
Nhưng những đảm bảo đó không giúp giới quan chức giảm bớt lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng dữ liệu từ TikTok để xác định mục tiêu tình báo, tuyên truyền hoặc các hình thức ảnh hưởng bí mật khác.
Cho đến nay, Nhà Trắng chưa công khai đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu TikTok. Bên cạnh đó, hầu hết nhà lập pháp Hoa Kỳ đều nhận lời mời tham gia họp kín với quan chức an ninh quốc gia, nhưng không có thông tin nào được tiết lộ.
Phản ứng sau mỗi cuộc họp giao ban là trái chiều, một đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện nói rằng "không có thông tin cụ thể... đó là bằng chứng có cơ sở". Hay một thành viên khác đảng Dân chủ tại Hạ viện nhận định vấn đề này xuất phát bởi hạn chế "ảnh hưởng xấu" từ Trung Quốc.
Tuy nhiên Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Virginia Mark Warner, người ủng hộ dự luật cấm TikTok, khẳng định trong bài phát biểu tại Thượng viện vào tháng trước rằng các cuộc họp cung cấp cái nhìn sâu sắc, quan trọng về rủi ro mà TikTok gây ra.
"Nhiều người dùng Hoa Kỳ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có lý do hoài nghi một cách chính đáng" về luật kiểm soát TikTok, Thượng nghị sĩ Warner cho biết. "Họ chưa nhìn thấy những gì Quốc hội đánh giá. Họ đã không có mặt trong các cuộc họp giao ban mật mà Quốc hội tổ chức để xem xét kỹ hơn về các mối đe dọa".
Vào tháng 3/2024, những lo ngại lên đến đỉnh điểm khi dự luật cho phép TikTok khoảng sáu tháng để thoái vốn hoặc đối mặt với lệnh cấm trên toàn quốc. Các nhà hoạch định chính sách mô tả luật mang ý nghĩa buộc công ty chủ quản thoái vốn khỏi TikTok, chứ không hướng đến việc cấm hoàn toàn ứng dụng. Tuy nhiên, TikTok khẳng định nếu luật được duy trì, lệnh cấm là kết quả duy nhất xảy ra.
"Việc 'thoái vốn đủ điều kiện' theo yêu cầu của Đạo luật cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ đơn giản là không thể thực hiện", đơn kiến nghị viết, "không phải về mặt thương mại, không phải về mặt công nghệ mà là không hợp pháp".
Ý NGHĨA CỦA TU CHÍNH ÁN LUẬT THỨ NHẤT (FIRST AMENDMENT)
TikTok và ByteDance gọi những lo ngại an ninh quốc gia là "thiếu sót khi suy đoán và phân tích", đồng thời nói thêm việc thông qua nhanh chóng dự luật phản ánh cách thành viên quốc hội dựa vào "suy đoán, chứ không phải 'bằng chứng', như Tu chính án thứ nhất yêu cầu".
Các học giả Tu chính án thứ nhất cho rằng tuyên bố của TikTok có một số giá trị. Chẳng hạn, Tòa án Tối cao tuyên bố chính phủ Hoa Kỳ không thể cấm người dân tiếp nhận thông tin từ nước ngoài nếu họ muốn. Nhấn mạnh điểm này, luật sửa đổi cũng cấm Tổng thống Hoa Kỳ ngăn chặn dòng chảy tự do của truyền thông nước ngoài, ngay cả những quốc gia được coi là thù địch.
"Một số tuyên bố về an ninh quốc gia không nên lấn át Tu chính án Luật thứ nhất", bà Evelyn Douek, trợ lý giáo sư luật tại Đại học Stanford cho biết. "Nếu không, lệnh cấm sẽ biến Hiến pháp thành ‘con hổ giấy’. Ít nhất, chính phủ nên cung cấp bằng chứng cho các tuyên bố. Quyết định sẽ tạo tiền lệ Tòa án Tối cao bỏ qua những nguyên tắc này".
Tính chất lưỡng đảng trong luật Tổng thống Biden ký có thể thuyết phục các tòa án về mức độ nghiêm trọng của những lo ngại. Ông Gautam Hans, Phó Giám đốc Phòng nghiên cứu Tu chính án thứ nhất, Đại học Cornell chia sẻ "nếu không có thảo luận công khai chính xác về những rủi ro là gì... thật khó để lý giải tại sao tòa án lại xác nhận đạo luật chưa từng có như vậy".
TIỀN LỆ ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI
Ngoài khả năng vi phạm quyền tự do ngôn luận, luật liên bang mà TikTok đệ đơn cũng liên quan đến quyền hiến định của Apple và Google.
Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ và hơn một nửa số bang nước này đã hạn chế TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ. Trên bình diện quốc tế, TikTok cũng bị cấm trên nhiều thiết bị của chính phủ tại Canada, Vương quốc Anh và Ủy ban châu Âu. Năm 2020, ứng dụng bị cấm hoàn toàn trên khắp Ấn Độ.
Một số quan chức Hoa kỳ nỗ lực cấm TikTok kể từ năm 2020, khi cựu Tổng thống Donald Trump chặn ứng dụng theo lệnh hành pháp. (Kể từ đó, Tổng thống Trump đã đảo ngược lập trường, cho rằng lệnh cấm TikTok chỉ giúp ích cho Meta, công ty mà ông đổ lỗi đã gây nên thất bại bầu cử năm 2020).
Kết quả cuộc chiến pháp lý sẽ để lại hậu quả lớn, ảnh hưởng đến cách chính phủ Hoa Kỳ quản lý công nghệ và một số phát ngôn khác.
"Chúng ta cần xem xét đạo luật không chỉ TikTok, mà còn với tất cả nền tảng nước ngoài trong tương lai", trợ lý giáo sư luật Douek bày tỏ quan điểm. "Trong thế giới toàn cầu hóa, vấn đề này sẽ xuất hiện nhiều lần. Và nếu chính phủ có quyền cấm ứng dụng nào đó dựa trên nghi ngờ thay vì những ảnh hưởng cụ thể thì thật đáng lo ngại".