Nhiều năm qua, thẩm định giá đang bộc lộ những mặt trái, tiêu cực làm méo mó các giao dịch kinh tế, đặc biệt là thất thoát tài sản Nhà nước trong đấu thầu, mua sắm, cổ phần hóa, thoái vốn và đặc biệt là tiếp tay cho tham nhũng trục lợi trong đại dịch. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do khung khổ quản lý đã lạc hậu, hoạt động thanh tra giám sát, chế tài xử phạt thiếu nghiêm khắc và lỏng lẻo.
Vụ đại án tại Công ty Việt Á là vụ án điển hình gây chấn động với 95 bị can bị khởi tố gắn với nhiều CDC các tỉnh, thành. Cùng đó, hàng loạt doanh nghiệp thẩm định giá “tiếp tay” nâng khống giá kit test gây thất thoát ngân sách nhà nước như Công ty TNHH thẩm định giá Tây Nam, Công ty cổ phần thẩm định giá BTC VALUE - chi nhánh Đà Nẵng…
Nếu như năm 2009, chỉ có tổng số 44 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động với 184 thẩm định viên hành nghề thì đến năm 2020, có tới 409 doanh nghiệp thẩm định giá được cấp giấy chứng nhận, với 1.723 thẩm định viên hành nghề.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính đã tích cực rà soát các quy trình quy định, gia tăng kiểm soát hoạt động thẩm định giá; thậm chí, dừng hoạt động nghiệp vụ thẩm định giá đối với một số doanh nghiệp và rút giấy phép hành nghề đối với thẩm định viên khi xảy ra sai phạm.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo sửa đổi Luật Giá nhằm bổ sung những quy định mới, cập nhật thông lệ thế giới và bịt các kẽ hở luật pháp, tránh tình trạng vi phạm như từng xảy ra gần đây.
Tại Dự thảo sửa đổi Luật Giá, nhiều điểm mới được dự kiến bổ sung như: tiêu chuẩn đối với thẩm định viên về giá theo hướng chuyên môn hóa lĩnh vực tài sản thẩm định giá; tăng cường các quy định về điều kiện trong khâu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; luật hóa như những điều kiện, tiêu chí với người đứng đầu doanh nghiệp…
Hy vọng dự thảo lần này sẽ sớm được thực thi, từ đó giúp cơ quan quản lý có thêm những chế tài để xử lý những lỗ hổng, từ đó làm trong sạch hoạt động thẩm định giá.