September 16, 2023 | 08:00 GMT+7

Tìm giải pháp để kinh tế đêm Hà Nội “sáng đèn”

Tường Bách -

Du lịch Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế nhưng thực tế số tiền chi tiêu của du khách còn rất thấp. Khai thác tốt tiềm năng kinh tế ban đêm sẽ thúc đẩy việc mua sắm đồng thời là đòn bẩy cho kinh tế địa phương…

Ảnh: Hoàng thành Thăng Long
Ảnh: Hoàng thành Thăng Long

Thời gian qua, Hà Nội luôn tiên phong nỗ lực tăng doanh thu ngành du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức các không gian đi bộ, chợ đêm vào các tối cuối tuần; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng... Một số doanh nghiệp còn kết hợp với điểm đến tổ chức một số tour du lịch đêm tại di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội...

NHIỀU TIỀM NĂNG CHƯA KHAI THÁC HẾT

Tại buổi Tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội" do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vừa qua, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đánh giá hạ tầng của Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đêm. Thành phố có hệ thống hạ tầng kết nối các điểm du lịch, điểm hoạt động kinh tế ban đêm. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giải trí, ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi phục vụ du khách khá phát triển.

Hà Nội cũng có những không gian cho phát triển kinh tế ban đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, đặc biệt là những điểm đến di tích, di sản đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống. Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển như nhà hát chèo Hà Nội, nhà hát Cải lương Hà Nội; nhà hát Múa rối Thăng Long…

"Kinh tế đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng gần đây, tuy nhiên chưa thực sự bứt phá. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt", bà Giang nói. Bên cạnh đó, doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Hà Nội còn thấp có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 24 giờ. Trong khi đó, nhu cầu của du khách sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn, chứ không chỉ loanh quanh ở phố đi bộ, chợ đêm, quán karaoke, vũ trường hay ăn vặt.

Hà Nội có những không gian cho phát triển kinh tế ban đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.
Hà Nội có những không gian cho phát triển kinh tế ban đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.

Hà Nội có thế mạnh về ẩm thực, có thể sánh ngang các thành phố lớn của Thái Lan. Tuy nhiên, tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hoạt động ẩm thực đường phố chủ yếu là bán rong, đồ ăn khó đảm bảo vệ sinh. Tại các khu vực kinh doanh kinh tế đêm, các dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp, hoạt động còn xen lẫn khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự, gây xung đột với cộng đồng dân cư không tham gia vào kinh tế ban đêm.

Vì những lý do này, xét đến những điều kiện của kinh tế ban đêm, hiện chưa có khu vực nào của Hà Nội có thể thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để vận hành kinh tế ban đêm một cách bền vững. Hiện nay, quỹ đất của Hà Nội còn nhiều, nhất là tại các quận huyện gần trung tâm như Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm. Những quận, huyện này hoàn toàn có thể kêu gọi đầu tư một vài khu đô thị kết hợp các dịch vụ lưu trú, thể thao, văn hoá nghệ thuật, vui chơi, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe 24/24, đảm bảo quy mô để phát triển kinh tế cả ngày và ban đêm.

Nếu thực hiện được những khu tổ hợp vui chơi, giải trí về đêm như vậy, hứa hẹn ngành du lịch thủ đô sẽ đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng và tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội. Còn nếu chậm chân, Hà Nội sẽ mất cơ hội và trao “miếng bánh thị phần” cho địa phương bạn.

HIẾN KẾ PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH ĐÊM

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội. “Việc TP Hà Nội tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện”, bà Giang khẳng định.

Thời gian vừa qua, tour du lịch đêm tại di tích Hỏa Lò rất thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thời gian vừa qua, tour du lịch đêm tại di tích Hỏa Lò rất thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nhận định, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và cần sự tham gia của người dân. Để làm được điều này  đòi hỏi cơ quan quản lý có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. "Không chỉ đưa du khách đi ăn uống đơn thuần mà các doanh nghiệp phải phát triển thành tour văn hóa ẩm thực Hà Nội. Các công ty cần phối hợp với di tích, bảo tàng tạo ra trải nghiệm, sự khác biệt cho du khách thay vì tour thông thường đưa khách check-in điểm này, điểm kia”, ông Thắng gợi ý.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này. Giải pháp quy hoạch ở đây, chính là xây dựng một mô hình kinh tế mới cho khu vực, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản nhất, hiệu quả nhất nhưng  vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác, giảm thiểu mọi tác động tới người dân trong khu vực.

“Hà Nội có thể nghiên cứu mở rộng sản phẩm du lịch đêm như phát triển dịch vụ du lịch hai bên sông Hồng; Quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại ở gần khu vực trung tâm, chẳng hạn xây dựng trung tâm mua sắm ngầm dưới đất tại Công viên Thống Nhất”, ông Tuấn hiến kế.

Phát triển nền kinh tế ban đêm không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện.
Phát triển nền kinh tế ban đêm không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong, cho rằng: Nếu Hà Nội muốn phát triển du lịch kinh tế đêm thì nên có quy định cho hoạt động dịch vụ đến tối thiểu 2 giờ sáng. Ngoài ra, cần quy hoạch lại bàn bản vì các nhà hàng ăn uống mua sắm đều tự phát, chưa có quy hoạch theo từng khu. Do đó, Hà Nội nên quy hoạch các điểm, tuyến đón xe để trung chuyển từ khu vực ngoại thành vào nội đô.

Trước những góp ý, hiến kế phát triển kinh tế du lịch đêm của các chuyên gia, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: hiện đơn vị đang xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội.  Như vậy khi cơ quan quản lý xây dựng quy hoạch cụ thể việc phát triển kinh tế du lịch đêm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm qua đó thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.

Trước mắt, Sở dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội với tên gọi “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tổ chức cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn”…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate