Nhu cầu chạy trốn tiếng ồn và nhịp sống đô thị đang đặt ra bài toán cho các nhà phát triển sản phẩm du lịch trên toàn thế giới. 44% khách du lịch toàn cầu muốn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hoang sơ, không có sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ hiện đại. 55% muốn có những kỳ nghỉ theo phong cách “ngoài vùng phủ sóng”, theo khảo sát hồi đầu năm 2023 của Booking.com.
TIỀM NĂNG CỦA VIỆT NAM
Theo báo cáo năm 2022 của Grand View Research, du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỉ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Các quốc gia đi đầu về mô hình này nổi bật là Nhật Bản với hình thức tắm, Hàn Quốc với tắm đá muối, hay Ấn Độ với các tour du lịch kết hợp thiền định và Yoga…
Khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022 cũng cho thấy, có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý. Những con số này khẳng định sức hút cũng như tiềm năng phát triển của thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tại Hội thảo Du lịch trị liệu – Xu hướng trên Thế giới và Việt Nam được tổ chức tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE-HCMC 2023) vừa qua, các nhà đầu tư và phát triển du lịch trên khắp Việt Nam nhận định Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có với các bãi biển lớn hoang sơ, những cánh rừng còn bỏ ngỏ với thảm thực vật phong phú chưa được khai thác, nguồn khoáng nóng dồi dào, bên cạnh nền y học cổ truyền nổi tiếng. Trong hầu khắp các ngôi làng người Việt, nơi nào cũng dễ dàng học được bài thuốc quý. Chưa kể, Việt Nam có hàng ngàn ngôi chùa, thiền viện trải dọc khắp đất nước...
Tất cả những điều kiện này rất thuận lợi để phát triển những sản phẩm du lịch về với thiên nhiên hoang sơ, những món ăn bản địa có nguồn tự nhiên, những sinh hoạt mang tính kết nối sâu sắc giữa người với người… Ông Kiên Lê, CEO của Panhou Reatreat (Hà Giang) và Whale Island Resort (Nha Trang), cho rằng các khu nghỉ có vị trí ở nơi rừng xanh và biển vắng là điều kiện lý tưởng để xây dựng các sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam.
Trong đó, các sản phẩm du lịch trị liệu đề cao tính “ngắt kết nối” với công nghệ. Tiếp đó là quan tâm đến mật độ xây dựng, thiết kế các bungalow nằm trọn trong không gian tự nhiên mở tối đa với tự nhiên, sử dụng 100% các vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường như gỗ, đá, tre từ địa phương. Đồng thời, tạo các trải nghiệm nội khu và xung quanh hướng tới chăm sóc sức khỏe như tắm lá Dao đỏ, massage trị liệu, tắm khoáng nóng, làm vườn, nấu ăn, đi trekking, tương tác với người dân bản địa, tạo đường trekking nội khu để khách tắm rừng... là những tiêu chí cấu thành một sản phẩm du lịch trị liệu hoàn hảo.
Ông Kiên khẳng định, du lịch trị liệu được định nghĩa là các ngành cho phép người tiêu dùng kết hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe và lối sống vào cuộc sống hàng ngày của họ bao gồm 10 lĩnh vực đa dạng. Khai thác các khía cạnh còn bỏ ngỏ với sự kết hợp với các ngành chăm sóc sức khoẻ, vận dụng các bài thuốc Nam, những kinh nghiệm dân gian cổ xưa của người Việt góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN LÀM NGAY
Trong khuôn khổ Hội thảo chuyên đề “Du lịch trị liệu: Xu hướng trên thế giới và Việt Nam” mới đây, các chuyên gia cho rằng du lịch trị liệu Việt Nam mới chỉ ở mức khởi đầu và chưa được quan tâm đúng mức. Các sản phẩm du lịch trị liệu còn nghèo nàn và chưa hấp dẫn thu hút khách trở lại. Nhiều khu du lịch chỉ đơn thuần là nơi cung cấp dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt cho du khách thư giãn, chưa phát huy được yếu tố trị liệu theo y học cổ truyền và dược liệu. Ngoài ra, cơ sở vật chất, nhân lực và tiếp thị của du lịch trị liệu cũng còn nhiều hạn chế.
Để phát triển du lịch trị liệu tại Việt Nam, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp quan trọng. Trước hết, việc xúc tiến quảng cáo và tiếp thị là cần thiết để tạo sự nhận diện và thu hút du khách quốc tế. Chiến dịch quảng cáo và truyền thông cần được tăng cường, và cần hợp nhất với các hoạt động ngoại giao, thể thao, và kinh tế để nâng cao tầm quan trọng của ngành du lịch trị liệu.
Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm đặc trưng là một bước quan trọng. Cần tạo ra nhiều trải nghiệm du lịch trị liệu độc đáo dựa trên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương. Điều này có thể bao gồm khu du lịch sinh thái, khu du lịch biển đảo hoang sơ, và các trải nghiệm về văn hóa và lễ hội. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, cần đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân viên trong lĩnh vực du lịch trị liệu. Từ hướng dẫn viên đến các chuyên gia y tế, đào tạo chuyên ngành và các khóa học liên quan đến y học cổ truyền và dược liệu cần được thúc đẩy.
Cuối cùng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ là việc cần tiến hành ngay. Đảm bảo rằng các cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch trị liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh, và bảo vệ môi trường. Hợp tác với các công ty bảo hiểm quốc tế có thể đảm bảo sự an tâm cho khách du lịch quốc tế. Những nỗ lực này cùng nhau sẽ giúp Việt Nam phát triển và khai thác tiềm năng của ngành du lịch trị liệu trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Thệ, Hiệu trưởng Trường trung cấp Y dược Vạn Hạnh đặt vấn đề, nên chăng các khu du lịch trị liệu cần sự phối hợp từ ngành du lịch, trường đại học đào tạo về y học cổ truyền. Ngoài ra, người học về du lịch cần học thêm y học cổ truyền và ngược lại. Dù thế nào, bản chất của du lịch trị liệu là sự chữa lành tự nhiên. Vì thế, dù có nhiều hình thái, nhưng cốt lõi của các sản phẩm du lịch trị liệu là tạo ra sự yên tĩnh trong tâm trí và tạo ra không gian để con người tạo ra sự cân bằng cả về thể chất, tinh thần.