July 16, 2021 | 10:01 GMT+7

Tìm việc thời đại dịch Covid-19: Lương và chế độ phúc lợi là lựa chọn ưu tiên hàng đầu

Phúc Minh -

Khảo sát mới nhất cho thấy dịch Covid-19 càng khẳng định yếu tố lương và chế độ phúc lợi là sự lựa chọn ưu tiên đối với người tìm việc, thay vì thương hiệu doanh nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khảo sát gần 1.000 người tìm việc và hơn 400 nhà tuyển dụng của Navigos Group vừa công bố cho thấy, lương và chế độ phúc lợi (bao gồm lương, thưởng, bảo hiểm, nghỉ phép…) là yếu tố tiên quyết để người lao động ứng tuyển vào một vị trí tuyển dụng trong mùa dịch.

LƯƠNG THƯỞNG, PHÚC LỢI: YẾU TỐ HÀNG ĐẦU THU HÚT ỨNG VIÊN

Theo đó, 60% ứng viên tham gia khảo sát cho rằng lương và chế độ phúc lợi (bao gồm lương, thưởng, bảo hiểm, nghỉ phép…) là yếu tố tiên quyết để họ ứng tuyển vào một vị trí tuyển dụng.

 

Các ứng viên tại TP.HCM quan tâm nhất đến chế độ bảo hiểm đầy đủ, chăm sóc sức khỏe đa dạng cho nhân viên, trong khi các ứng viên tại Hà Nội lại quan tâm nhất đến chế độ thưởng doanh số, thưởng lễ Tết, thưởng thâm niên hấp dẫn.

40% ứng viên còn lại cho biết những yếu tố khác về thương hiệu tuyển dụng (bao gồm văn hóa doanh nghiệp, quy mô, mô hình đầu tư, ngành nghề, ban lãnh đạo, môi trường làm việc, danh tiếng công ty trên thị trường tuyển dụng) là yếu tố thứ hai chi phối người tìm việc có nên quyết định ứng tuyển hay không. Điều này cho thấy, nhiều ứng viên tiềm năng đã thay đổi xu hướng lựa chọn công việc chỉ dựa trên mức lương hàng tháng như trước kia.

Đối với nhà tuyển dụng, có 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến trên. 85% doanh nghiệp có quy mô nhỏ từ 100 – 1.000 nhân viên cho rằng, các ứng viên luôn có một kỳ vọng nhất định về mức lương, thưởng và chế độ đãi ngộ. Những yếu tố trên được các nhà tuyển dụng đánh giá là động lực của một ứng viên để gắn bó lâu dài và hoàn thiện được mục tiêu chung của doanh nghiệp đề ra.

Dịch Covid-19 càng khẳng định yếu tố lương và chế độ phúc lợi là sự lựa chọn ưu tiên đối với người tìm việc, khi có 80% người tìm việc cho rằng dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn yếu tố lương và chế độ phúc lợi của họ khi tìm việc mới.

Theo đó, 50% cho biết lương và chế độ phúc lợi tốt thể hiện tình trạng phát triển của doanh nghiệp. 20% cho biết nếu đảm bảo được nguồn thu nhập tốt từ công việc, họ có thể trang trải cuộc sống cá nhân và gia đình, đồng thời làm giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. 10% còn lại cho biết nếu doanh nghiệp duy trì được phúc lợi cho nhân viên thay vì cắt giảm sẽ giúp môi trường làm việc trở nên tích cực hơn.

Bên cạnh đó, các ứng viên tại TP.HCM quan tâm nhất đến chế độ bảo hiểm đầy đủ, chăm sóc sức khỏe đa dạng cho nhân viên, trong khi các ứng viên tại Hà Nội lại quan tâm nhất đến chế độ thưởng doanh số, thưởng lễ Tết, thưởng thâm niên hấp dẫn.

MỐI BẬN TÂM VỀ LƯƠNG, PHÚC LỢI KHÁC BIỆT THEO NGÀNH NGHỀ, KINH NGHỆM

Báo cáo của Navigos cũng cho thấy, tùy theo yếu tố ngành nghề và cấp bậc, yếu tố khác của thương hiệu tuyển dụng vẫn được trên 50% ứng viên quan tâm hơn so với yếu tố lương và chế độ phúc lợi.

 

Khoảng 60% sinh viên mới ra trường hoặc những ứng viên có ít số năm kinh nghiệm đi làm cho biết thương hiệu tuyển dụng là yếu tố quan trọng nhất trong một tin tuyển dụng.

Cụ thể, hơn 50% các ứng viên trong ngành giáo dục, đào tạo, dược và bán hàng quan tâm hơn đến các yếu tố khác của thương hiệu tuyển dụng so với lương và chế độ phúc lợi. Ngược lại, các ứng viên trong ngành nghề kỹ sư xây dựng, hành chính/thư ký, nhân sự, tiếp thị (marketing) lại quan tâm đến lương và chế độ phúc lợi, với khoảng từ 60%-80% ứng viên đồng ý kiến.

Ngoài ra, khoảng 60% sinh viên mới ra trường hoặc những ứng viên có ít số năm kinh nghiệm đi làm cho biết thương hiệu tuyển dụng là yếu tố quan trọng nhất trong một tin tuyển dụng. Trong khi đó, 64% những ứng viên có kinh nghiệm làm việc, các vị trí quản lý cấp trung, cấp cao lại quan tâm hơn đến lương và phúc lợi.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng về nhu cầu muốn biết mức lương từ người tìm việc, đa số các nhà tuyển dụng hiện nay lại rất ít khi tiết lộ mức lương. Hơn 15% các công ty hoàn toàn không tiết lộ mức lương cho bất kỳ công việc nào mà họ đăng tuyển. Con số này cũng dao động từ 4-9% với những công ty chỉ tiết lộ mức lương cho dưới một nửa các công việc mà họ đăng tuyển.

Lý do mà các nhà tuyển dụng không tiết lộ mức lương trong tin tuyển dụng được 39% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho là để dễ dàng thương lượng về mức lương phù hợp với năng lực của ứng viên. Ngoài ra còn có lý do nhà tuyển dụng tránh các thắc mắc về lương từ các nhân viên hiện tại và tìm được lượng ứng viên đa dạng hơn về cấp bậc làm việc.

Từ những thực tế này, Navigos đề xuất các ứng viên đi tìm việc nên mở rộng đánh giá một doanh nghiệp, một công việc dựa trên các yếu tố khác nhau. Ứng viên có thể bỏ qua cơ hội “vàng” khi chỉ đặt mức lương và chính sách phúc lợi lên bàn cân.

Đối với doanh nghiệp, trên thực tế, rất nhiều ứng viên mong muốn biết thông tin về lương trong thông tin tuyển dụng. Việc giữ bí mật về lương cũng là cách nhà tuyển dụng kiểm tra mức độ quan tâm của ứng viên đối với những yếu tố khác trong thương hiệu tuyển dụng mà họ đăng tuyển. Từ đó, nhà tuyển dụng có thể kiếm được ứng viên tiềm năng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate