Ngày 12/12/2020 tới đây, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tiêu Dùng Việt Nam và Lễ công bố và vinh danh 100 sản phẩm, dịch vụ Tin Dùng năm 2020 được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2020.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội... cùng các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và gần 200 doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.
Chủ đề trọng tâm của chương trình Tin Dùng Việt Nam 2020 là "Lửa thử vàng – Thách thức tạo sức bật". Theo đó, tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm – dịch vụ đã vượt qua những khó khăn, rào cản của dịch Covid-19 để vươn lên, tìm kiếm cơ hội mới, mang đến được cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao; các doanh nghiệp sở hữu các sản phẩm, dịch vụ có quá trình chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt hiệu quả, có doanh thu ổn định bất chấp quãng thời gian giãn cách xã hội.
ẢNH HƯỞNG CỦA CƠN BÃO ĐẠI DỊCH
Có thể nói, Covid-19 là một thảm họa ập đến không báo trước và hầu như mọi nền kinh tế và ngành nghề đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là một nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu với các đối tác thương mại lớn, kinh tế Việt Nam đã chịu sự "đứt gãy" nguồn cung cũng như giảm mạnh về cầu trên hầu như tất cả mọi mặt.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), chỉ trong 7 tháng đầu năm nay có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Còn theo đánh giá của CBRE Việt Nam, có tới 38% nhà bán lẻ phải tạm ngưng mở rộng trong năm 2020, 11% tập trung củng cố cửa hàng hiện tại hoặc buộc dời ngày khai trương sang năm 2021.
Khác với các cuộc suy thoái từng xảy ra trong thế kỷ 20, suy thoái từ đại dịch Covid-19 dẫn đến sự xáo trộn trong sinh hoạt, chi tiêu. Người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu ít hơn, đồng thời cân nhắc nhiều hơn khi mua sắm. Cụ thể, theo nghiên cứu của nền tảng tiếp thị di động Adtima, 76% người dùng chủ động tìm kiếm kênh bán hàng cam kết bình ổn giá; 64% tìm kiếm khuyến mãi, giảm giá... Một số ngành nghề được chứng minh là "miễn dịch" trong giai đoạn trước như chăm sóc sức khỏe cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Thực phẩm thuộc nhu cầu thiết yếu nhất của con người, kể cả trong đại dịch, nhưng cũng gặp không ít trở ngại để xây dựng được một doanh nghiệp bán lẻ bền vững...
Tuy nhiên, một báo cáo nghiên cứu về thị trường bán lẻ được Vietnam Report công bố gần đây cho thấy vẫn có những tín hiệu tích cực xuất hiện ở các lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian qua do doanh nghiệp nhanh chóng chuyển mình thích ứng. Cụ thể, các nhà bán lẻ thích ứng với bán hàng thương mại điện tử, có dịch vụ hậu mãi tốt cho khách hàng cùng sản phẩm đảm bảo chất lượng thì vẫn "sống khỏe" bất chấp dịch bệnh.
Trong suốt 10 tháng từ tháng 1/2020 đến 11/2020, Chương trình Tin Dùng Việt Nam đã diễn ra bình chọn trên 6.790 sản phẩm – dịch vụ được đề cử. Ban tổ chức Chương trình Tin Dùng Việt Nam đã nhận lại được 29.340 phiếu bình chọn, 79.280 ý kiến đánh giá trực tuyến. Sản phẩm - dịch vụ bình chọn được chia theo 6 nhóm ngành chính như sau: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thực phẩm, đồ uống và dịch vụ bán lẻ; Sản phẩm gia dụng – nội ngoại thất; Chăm sóc sức khoẻ - làm đẹp; Du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản; Giáo dục, công nghệ, viễn thông.
Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2020 vinh danh 100 thương hiệu sản phẩm - dịch vụ xuất sắc vượt qua hàng nghìn đề cử trong suốt 10 tháng khảo sát. Trong khuôn khổ buổi Lễ công bố 100 sản phẩm – dịch vụ Tin Dùng Việt Nam, các nhãn hàng được vinh danh có cơ hội để tiếp cận với các đối tác, khách hàng và giới truyền thông qua việc được quyền giới thiệu và tặng quà trực tiếp khách mời tham dự buổi lễ. Đồng hành cùng Tin Dùng Việt Nam 2020 là các cơ quan, đơn vị bảo trợ truyền thông của nhiều báo đài và tạp chí có uy tín.
MỘT THẾ GIỚI MỚI, MỘT XU HƯỚNG TIÊU DÙNG MỚI
Cũng trong khuôn khổ của Lễ công bố và vinh danh Top 100 sản phẩm – dịch vụ Tin Dùng năm 2020, sẽ diễn ra Tọa đàm truyền thông với chủ đề "Thế giới mới và xu hướng tiêu dùng mới". Mục tiêu của buổi tọa đàm là để giúp các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hiểu rõ, tuy khó khăn đang bao trùm, nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất và không phải các nhà bán lẻ nào cũng gặp khó khăn như nhau.
Với cuộc sống "bình thường mới", tùy theo sản phẩm kinh doanh và nội lực sẵn có của doanh nghiệp sẽ quyết định "sức bật" của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp nào đã chuyển đổi số trước giai đoạn dịch cũng có lợi thế cho quá trình xử lý kinh doanh nhanh và tinh gọn hơn. Giao tiếp với khách hàng cũng sẽ phải tăng cường qua các nội dung số, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt nhất mà còn phải nhanh nhất, không chỉ thanh toán tiện lợi mà còn phải theo hướng "không có sự tiếp xúc".
Trao đổi với ban tổ chức chương trình, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ kinh nghiệm để mang lại những trải nghiệm mới mẻ dành cho khách hàng cá nhân. Với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm, VietinBank đã sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thông qua công nghệ, ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng tại các kênh truyền thống; mà còn mang tới trải nghiệm dịch vụ ngân hàng tiện dụng thông qua các giao dịch tiện ích tại quầy hoặc Mobile Banking với các ứng dụng sinh trắc học, xây dựng một phong cách sống công nghệ (Digital Lifestyle) đa tiện ích.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, CMO Lazada cho biết: "Nhờ vào nền tảng dữ liệu và công nghệ, trải nghiệm khách hàng của Lazada được triển khai trên cơ sở hiểu hành vi, tâm lý, và nhu cầu của khách hàng để đổi mới liên tục. Thế mạnh của thương mại điện tử là cơ sở dữ liệu "real time" (theo thời gian thực) giúp chúng tôi có thể nhanh chóng làm phép thử, qua đó nhìn rất rõ đâu là lựa chọn người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn nào đáp ứng nhu cầu của họ tốt hơn".
Cũng theo Vietnam Report, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, công nghệ không chạm vẫn sẽ là một điểm nhấn của ngành bán lẻ trong tương lai, bởi 60,6% người tiêu dùng có xu hướng giảm sử dụng tiền mặt trong một khảo sát gần đây. Chưa kể, có tới 59,6% người dùng dần sử dụng Internet Banking nhiều hơn và con số này của ví điện tử là 57,7%. Chính vì thế, các nhà bán lẻ không nên bỏ qua xu hướng này để có những chiến lược tiếp cận khách hàng phù hợp.
Có thể nói, chuyển đổi số gần như là yếu tố sống còn nếu các doanh nghiệp muốn tăng năng lực cạnh tranh, hay đơn giản là tồn tại trong thị trường ngày càng biến động khốc liệt. Sau đó, doanh nghiệp cần xem xét điều chỉnh lại mô hình hoạt động. Việc thay đổi tư duy và mô hình hoạt động chưa bao giờ dễ dàng, tuy nhiên, đó là thực tế mà chúng ta phải đối mặt và can đảm để nhận ra, và dám hành động để thay đổi tiến về phía trước.