Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài đang thấp hơn so với lợi suất của kỳ hạn ngắn, với độ chênh lệch âm lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây - một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang nghĩ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, cho dù cuộc chiến này gây đã ra tổn thất không hề nhỏ cho nền kinh tế.
Hiện tượng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn vượt lợi suất của kỳ hạn dài được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược (inverted yield curve). Giới tài chính Mỹ xem đường cong lợi suất đảo ngược là một tín hiệu cảnh báo sớm rằng suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
ĐƯỜNG CAO LỢI SUẤT ĐẢO NGƯỢC = LẠM PHÁT ĐANG GIẢM?
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất ngắn hạn quỹ liên bang (fed fund rates) do Fed thiết lập sẽ bình quân ở mức nào trong vòng đời của một trái phiếu. Lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài thường cao hơn lợi suất của trái phiếu kỳ hạn ngắn, bởi nhà đầu tư muốn phòng ngừa rủi ro lạm phát ngoài dự kiến và khả năng có những đợt tăng lãi suất.
Ở một cấp độ cơ bản, đường cong lợi suất đảo ngược đồng nghĩa nhà đầu tư tin lãi suất ngắn hạn của Fed trong dài hạn sẽ thấp hơn trong ngắn hạn. Đó là bởi họ cho rằng Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất để vực dậy nền kinh tế khỏi sự suy giảm tăng trưởng.
Thời điểm hiện tại, đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không chỉ đảo ngược, mà còn đảo ngược nhiều. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn trượt xuống mức thấp hơn 0,78 điểm phần trăm so với lợi suất của kỳ hạn 2 năm. Đây mức chênh lệch âm nhiều nhất kể từ cuối năm 1981 - thời điểm suy thoái kinh tế bắt đầu xảy ra và đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích nhận thấy những lý do để tin rằng tình trạng của đường cong lợi suất hiện nay là một dấu hiệu của lạm phát suy yếu và kinh tế Mỹ đang dần trở lại trạng thái bình thường hơn, thay vì dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nhích dần tới suy thoái.
Thị trường tin rằng đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hiện nay nói lên rằng “lạm phát đang giảm xuống” - ông Gene Tannuzzo, trưởng bộ phận trái phiếu thuộc công ty quản lý tài sản Columbia Threadneedle, nói với Wall Street Journal. Theo ông Tannuzzo, nhà đầu tư tin rằng “Fed thực sự có uy tín. Cuối cùng Fed cũng thắng trong cuộc chiến chống lạm phát này, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta không còn cách nào khác là phải chịu đựng mức cao của lãi suất ngắn hạn”.
Đáng chú ý, đường cong lợi suất đã đảo mạnh hơn trong những tuần gần đây chủ yếu do những thông tin kinh tế tích cực.
Suốt từ những tháng bắt đầu từ mùa hè cho tới gần đây, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm không khi nào thấp hơn quá 0,5 điểm phần trăm so với lợi suất của kỳ hạn 2 năm. Nhưng điều đó đã thay đổi trong tháng 11, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng yếu hơn so với dự báo, làm dấy lên hy vọng rằng lạm phát cuối cùng có thể qua đỉnh.
Báo cáo CPI tháng 10 đã khiến lợi suất của trái phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn giảm một chút, với lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm dưới 4,5% trong tuần này, từ mức hơn 4,6% vào đầu tháng. Trong khi đó, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài giảm mạnh hơn, như lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,75% từ mức 4,15%.
Dựa trên tín hiệu từ các quan chức Fed, bao gồm bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Viện Brookings vào ngày 30/11, giới đầu tư vẫn cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên mức cực đại khoảng 5% vào đầu năm tới, từ mức 3,75-4% hiện nay. Tuy nhiên, báo cáo CPI khả quan đã bắt đầu khiến nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không còn phải lo lắng nhiều về lạm phát.
FED VẪN THẬN TRỌNG VỚI NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không chỉ phản ánh tình trạng mà còn cả triển vọng của nền kinh tế. Đặc biệt, lợi suất của trái phiếu dài hạn đóng một vai trò chủ chốt trong việc quyết định lãi suất cho vay trong toàn bộ nền kinh tế. Lợi suất này cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, lợi suất tăng thường khiến cổ phiếu giảm giá vì nhà đầu tư muốn giá cổ phiếu phải hấp dẫn hơn để phản ánh mức lợi nhuận tốt hơn từ việc chỉ cần nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ - loại tài sản được xem là siêu an toàn - cho tới khi đáo hạn.
Lạm phát cao dai dẳng và kỳ vọng lãi suất ngắn hạn tăng nhanh đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trong năm nay. Giá trái phiếu đang lưu hành vì thế giảm sâu, phản ánh mức lãi suất cao hơn cần phải có đối với trái phiếu mới phát hành. Điều này dẫn tới việc các chỉ số giá trái phiếu chính có mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận vào thập niên 1970.
Nếu tính từ đầu năm, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 17%. Tuy nhiên, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ “hạ nhiệt”, chỉ số này đã tăng 5,4% trong tháng 11 vừa qua. Phiên giao dịch ngày 30/11, chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau khi ông Powell nói rằng Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất chậm lại từ cuộc họp tháng 12.
Tuy nhiên, có một mối đe doạ đối với nhà đầu tư: xu thế giảm của lợi suất trái phiếu và tăng giá của cổ phiếu gần đây có thể không kéo dài, bởi lẽ trong môi trường như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ huy động vốn và cũng dễ tiêu tiền hơn - qua đó làm suy yếu những điều kiện có thể làm giảm lạm phát.
Trong năm nay, ông Powell đã không ít lần “dội gáo nước lạnh” và sự phục hồi của thị trường cổ phiếu và trái phiếu khi đưa ra thông điệp rằng Fed sẽ không chỉ tiếp tục tăng lãi suất mà còn duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài hơn.
Trong bài phát biểu ngày 30/11, ông Powell một lần nữa nói rằng Fed “còn một chặng đường dài phải đi” trong cuộc chiến chống lạm phát.
“Có khả năng việc thiết lập lại ổn định giá cả sẽ đòi hỏi duy trì chính sách ở trạng thái thắt chặt trong một thời gian. Lịch sử cho thấy những cảnh báo thận trọng về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Chúng ta sẽ duy trì hướng đi này cho tới khi đạt mục tiêu”, Chủ tịch Fed phát biểu.