Sau chuỗi ngày tăng không ngừng nghỉ, cổ phiếu nhóm thuỷ sản quay đầu giảm mạnh ngay cả khi có tin tốt về thị trường Hoa Kỳ…
TIN RA LÀ BÁN
Mới đây, ngày 28/6/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát thuế chống bán phá giá định kỳ lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 01/8/2018 đến ngày 31/7/2019.
VHC là bị đơn bắt buộc duy nhất được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. ANV là bị đơn tự nguyện nghĩa là không cần phải kiểm tra riêng lẻ và mức thuế dựa trên mức của bị đơn bắt buộc, cũng được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg. Kết quả chính thức tốt hơn so với quyết định sơ bộ 0,09 USD/kg cho cả hai công ty.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác của Việt Nam, thuế chống bán phá giá vẫn ở mức 2,39 USD/kg.
“Tin ra là bán”, ngay khi có kết quả rà soát, thị trường phản ứng khá tiêu cực với hàng loạt mã thuỷ sản giảm giá. Cụ thể, ANV - được đánh giá là có lợi lớn nhất khi cơ hội lớn tái gia nhập vào thị trường Mỹ năm 2021, đã giảm mạnh sau một tháng trời ròng rã leo dốc. Thị giá ANV đạt đỉnh ngày 29/6 34.500 đồng và giảm 3 phiên liên tiếp chốt ngày giao dịch 2/7 còn 32.350 đồng /cổ phiếu. Trong khi đó, theo ANV, công ty có thể xuất khẩu sang Mỹ ít nhất 50-70 container/tháng. Theo ước tính sản lượng xuất khẩu này tương đương 2,5 - 3 triệu USD, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu hàng tháng của ANV.
VHC của Vĩnh Hoàn cũng giảm nhẹ 3 phiên gần đây, so với giá đỉnh ngày 17/6, VHC giảm 4%, hiện giao dịch xung quanh mức giá 45.000 đồng/cổ phiếu; CMX giảm 3%. Một số khác như MPC cũng quay đầu giảm 1% phiên hôm cuối tuần; ASM giảm 0,72%…
VÙNG TRŨNG THÔNG TIN
Cổ phiếu nhóm thuỷ sản đã tăng khá mạnh suốt một tháng vừa qua nhờ triển vọng lợi nhuận tích cực trong 6 tháng đầu năm. Một số doanh nghiệp đã hé lộ doanh thu và lợi nhuận ấn tượng chẳng hạn như Thuỷ sản Minh Phú dự báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm hơn 300 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực phẩm Sao Ta cũng công bố kết quả kinh doanh tháng 5 với doanh số chung đạt 16,9 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Công ty CP Vĩnh Hoàn tháng 5 tổng doanh thu tăng 35% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ở các dòng sản phẩm cá tra (tăng 46%), sản phẩm phụ (tăng 51%) và giá trị gia tăng.
Ở thời điểm hiện tại, gần như nhóm này đang rơi vào trạng thái “cạn kiệt” thông tin tốt hỗ trợ khi mà kết quả doanh thu, lợi nhuận, tiềm năng xuất khẩu đã phản ánh vào giá trong suốt tháng 6 qua. Trong khi đó, nhóm thuỷ sản còn đối diện với nhiều khó khăn thách thức.
Cụ thể, theo VnDirect, giá hàng hóa cao hơn cũng đẩy giá thức ăn cho cá tăng, dẫn đến giá cá nguyên liệu tăng khoảng 1.500 đồng/kg tăng 6,1% từ đầu năm. Kỳ vọng giá cá nguyên liệu sẽ tăng lên mức 22.008 đồng tăng 6,0% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Giá dầu tăng kéo theo giá cước tàu gia tăng, ngoài ra tình trạng trễ tắc tại cửa khẩu và tình trạng thiếu container vẫn tiếp diễn, cản trở đà phục hồi của các doanh nghiệp thủy sản.
Kể từ cuối năm 2020, Trung Quốc đã siết chặt về nhập khẩu nhằm đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu của họ không bị nhiễm khuẩn do những lo ngại về vấn đề dịch Covid-19 lây lan qua hải sản. Theo VASEP, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc giảm 11% so với cùng kỳ trong tháng 4/2021 và tiếp tục giảm 22% trong tháng 5/2021. Do đó, mặc dù thị trường Mỹ và EU có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ về cầu, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn có thể giảm tốc trong thời gian tới do các yêu cầu về kiểm dịch và thông quan chặt chẽ hơn.
Đối với riêng AVN, theo Chứng khoán Rồng Việt, khả năng duy trì mức thuế ưu đãi tại thị trường Hoa Kỳ của công ty vẫn còn chưa chắc chắn trong dài hạn. Theo POR16, ANV là bị đơn tự nguyện nên mức thuế của ANV được tham chiếu từ bị đơn bắt buộc là VHC mà không cần kiểm tra riêng lẻ. Sau khi xuất khẩu sang Mỹ, ANV có khả năng sẽ được chọn là bị đơn bắt buộc trong các đợt rà soát thuế tiếp theo, do đó không chắc chắn có thể tiếp tục duy trì được mức miễn thuế này. Bên cạnh khả năng bị kiểm tra riêng lẻ trong POR17, ANV cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn về ao nuôi và nhà máy chế biến theo chương trình thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ để có thể xuất khẩu bền vững vào Mỹ.
Đối với VHC và Biển Đông đã, trong nhiều năm qua, hai đơn vị này chiếm gần 90% giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ, xây dựng được vị thế độc quyền tại thị trường này. Nếu các đợt rà soát thuế POR tiếp theo tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Mỹ, vị thế độc quyền của VHC và Biển Đông tại đây có thể sẽ bị đe dọa.
Giả định kịch bản gỡ bỏ thuế chống bán phá giá cho nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam hơn trong những năm tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể chứng kiến một sự tái định vị thị phần cho tất cả các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam, trong đó VHC và Biển Đông sẽ có thể chứng kiến thị phần bị giảm tại thị trường Mỹ.
VDSC dự đoán thị phần của VHC tại Mỹ có thể giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021 nếu ANV xuất khẩu sang Mỹ, do sản lượng xuất khẩu của VHC còn nhỏ so với VHC và ANV sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm khách hàng cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ.
Nhìn chung, cổ phiếu nhóm thuỷ sản đã đi qua vùng thông tin đẹp nhất của năm trong tháng 6 khi mà đón nhận cùng lúc thông tin về tiềm năng xuất khẩu, triển vọng lợi nhuận doanh thu 6 tháng và cả năm 2021. Nhiều khả năng, nhóm này sẽ quay lại bứt phá vào cuối năm 2021 nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn, biên lợi nhuận cải thiện đáng kể khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục.