Thời điểm bùng nổ giá mạnh nhất của cổ phiếu MSN là nửa đầu phiên sáng. Mở cửa giá đã tăng 1,73%. Đà tăng giá lên rất nhanh đến khoảng 10h30, mức tăng tại đỉnh đã là 5,57% so với tham chiếu.
Tuy nhiên kể từ đó đến hết phiên, cổ phiếu MSN tụt dần trước áp lực chốt lời lớn. Đến cuối đợt khớp lệnh liên tục giá chỉ còn tăng 1,7% so với tham chiếu. Bất ngờ nhất là đợt ATC, cầu đỡ thiếu nghiêm trọng nên dù chỉ bị xả hơn 80 ngàn cổ, MSN vẫn sập mạnh xuống 105.100 đồng, tức là chỉ còn tăng 0,86% so với tham chiếu.
Thông tin hỗ trợ xuất hiện lý giải diễn biến tăng giá mạnh đầu phiên của cổ phiếu MSN, nhưng thực tế là lý giải biến động giá trước đó. Ngay từ đầu tháng 4 vừa qua cổ phiếu này đã bật tăng mạnh mẽ và chạm đỉnh cao lịch sử hồi tháng 4/2018. Tuần trước MSN cũng vừa tăng 13,8%. Tới hôm qua, MSN bắt đầu bị xả lớn, giá giảm 3,6%. Hôm nay nhịp tăng mạnh trở lại rất sớm đưa giá quay lại đỉnh cũ và lặp lại cơ hội bán.
Các thông tin hỗ trợ thường không phải là yếu tố quá bất ngờ hay bí mật. Nhà đầu tư nhạy tin hoàn toàn có thể biết trước và trục lợi từ nó. Khác biệt chỉ là sức mạnh của các lực lượng tham gia “game” kiểu này mạnh đến đâu. Ví dụ VPB cũng là một “game” bán vốn, nhưng xu hướng tăng mạnh mẽ và rất bền, lôi kéo được dòng tiền lớn tham gia và cho đến giờ vẫn chưa ai thiệt hại.
Ngược lại “game” của cổ phiếu MSN chỉ đột biến thanh khoản trong nửa đầu tháng 4. Từ đầu thang 5 tới giờ thanh khoản cũng khá cao, nhưng không phải là đột biến như cổ phiếu ngân hàng. Hôm nay MSN giao dịch chỉ khoảng 2,95 triệu cổ, trị giá chưa tới 317 tỷ đồng. Trong khi đó các mã ngân hàng có thể giao dịch cả ngàn tỷ đồng.
Vẫn chưa thể chắc chắn “game” ở MSN đã hết, nhưng ít nhất thông tin hỗ trợ xuất hiện lại không tại được đà tăng giá bền vững. Cổ phiếu MSN quay lại đỉnh cũ và xuất hiện lực bán khá lớn. Theo thông tin được Masan công bố, tập đoàn cũng đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 - 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021.
Vai trò của dòng tiền rất quan trọng trong việc duy trì xu hướng. Một ví dụ khác biệt hôm nay nữa là HPG, cổ phiếu cũng bật tăng rất mạnh ngay từ sớm cùng với MSN. HPG đạt đỉnh tăng 2,91% so với tham chiếu, sau đó không tăng được thêm nhưng cũng không bốc hơi quá nhiều. HPG cuối phiên vẫn còn tăng 2,42%. Cổ phiếu này thanh khoản đặc biệt lớn với 39,15 triệu cổ phiếu trao tay, tương đương giá trị 2.477,6 tỷ đồng, mức cao kỷ lục 3 tháng. HPG giành lại vị trí số 1 thị trường về thanh khoản từ tay VPB.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên này giao dịch khá tốt, nhiều mã quay đầu tăng, chỉ trừ các mã hàng đầu. VCB đóng cửa vẫn giảm 1,46%, BID giảm 2,15%, CTG giảm 0,43%. Ngoài ra có TPB giảm 1,53%, HDB giảm 1,77%, ACB giảm 0,82%, VIB giảm 3,93%. Ngược lại số tăng là VPB tăng 2,13%, TCB tăng 1,04%, STB tăng 5,2%, MBB tăng 1,22%. Có thể thấy nhóm này phân hóa mạnh, mã tăng thì tăng rất khá, ngược lại giảm cũng rất sâu.
Thị trường hôm nay rơi vào trạng thái “xanh vỏ”. Độ rộng rất hẹp trên cả sàn HSX với 143 mã tăng/274 mã giảm. Ngay cả VN30-Index là chỉ số duy nhất tăng thì độ rộng của rổ này cũng chỉ là 11 mã tăng/18 mã giảm. Midcap sụt giảm tới 1,02% với số mã giảm gấp 2,5 lần số tăng. VNSmallcap chỉ giảm nhẹ 0,1%, nhưng số mã giảm cũng gấp đôi mã tăng.
VN-Index kết phiên giảm 0,48% so với tham chiếu do lực kéo của nhóm giảm mạnh hơn. HPG, NVL, VPB là 3 cổ phiếu xuất sắc nhất chiều tăng, tạo khoảng 3,5 điểm cho VN-Index. Trong khi đó nhóm trụ gồm VIC giảm 2,42%, VHM giảm 1,88%, VCB giảm 1,46% là 3 mã yếu nhất đã khiến chỉ số mất gần 6 điểm.
VN30-Index hưởng lợi vì trọng số của nhóm tăng mạnh là HPG, STB, VPB, NVL TCB, FPT áp đảo so với VCB, HDB, VHM, VRE. VN30 hầu như chỉ bị VIC kéo xuống là đáng kể (mất hơn 2,2 điểm) trong khi riêng HPG đã kéo lên hơn 3 điểm.
Mặc dù vậy chỉ số không mang tính quyết định đối với nhà đầu tư vì danh mục được tính trên biến động giá cổ phiếu cụ thể. Sàn HSX hôm nay không chỉ có độ rộng hẹp, mà còn tới trên 80 mã giảm quá 2%, gần 60 cổ phiếu giảm trên 1%.
Thanh khoản hôm nay giảm trên cả hai sàn, trong đó HSX giảm giá trị khớp lệnh 4,6% so với hôm qua, lại tụt xuống dưới ngưỡng 20 ngàn tỷ đồng, đạt 19.814,6 tỷ đồng. Rổ VN30 giảm giao dịch 3%, nhóm Midcap giảm 3% và Smallcap giảm 14%. Sàn HNX cũng giảm 11% giá trị khớp lệnh.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn có một phiên bán ròng, dù mức độ chỉ bằng 44% so với hôm qua. Tính chung sàn HSX bị rút ròng tiếp 550 tỷ đồng. VIC, VPB, VNM, VCB, GAS, KBC, PLX, BID, CTG, NVL là các mã bị bán ròng nhiều nhất, tối thiểu trên 20 tỷ đồng và cao nhất trên 100 tỷ đồng. Phía mua ròng có STB, DHC, HSG, LPB. Tính ra riêng rổ VN30 vẫn bị bán ròng 555 tỷ đồng.