July 25, 2024 | 10:09 GMT+7

“Tình bạn” giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và Big Tech có thể thay đổi cục diện ngành công nghiệp AI

Bảo Ngọc -

Phó Tổng thống Kamala Harris có mối quan hệ mật thiết với nhiều gã khổng lồ Thung lũng Silicon, nhưng liệu quan điểm của bà về AI có làm thay đổi ngành công nghiệp đang bùng nổ này hay không…

Phó Tổng thống Kamala Harris.
Phó Tổng thống Kamala Harris.

Sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua tranh cử và vô cùng ủng hộ bà Kamala Harris, mọi sự chú ý đổ dồn vào ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ. Một trong những điều khiến giới công nghệ quan tâm nhiều nhất là quan điểm của bà về một số vấn đề nổi cộm như Big Tech, quyền riêng tư hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Tech.co, mặc dù luôn tự hào chia sẻ về “tình bạn lâu năm” với nhiều đại gia công nghệ tại Thung lũng Silicon, nhưng Phó Tổng thống Harris không ngần ngại đưa ra loạt quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự thống trị của Big Tech - đặc biệt trong ngành công nghiệp AI.

Cuộc đua tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đang hấp dẫn hơn bao giờ hết. 
Cuộc đua tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đang hấp dẫn hơn bao giờ hết. 

MỐI QUAN HỆ LÂU NĂM CỦA PHÓ TỔNG THỐNG KAMALA HARRIS VỚI BIG TECH

Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Oakland (California, Hoa Kỳ), từng đảm nhiệm vị trí Tổng Chưởng lý và Thượng nghị sĩ tiểu bang California, không thể phủ nhận ứng cử viên tới từ Đảng Dân chủ Kamala Harris sở hữu mối quan hệ lâu năm với các công ty tại Thung lũng Silicon, thân thiết hơn nhiều so với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Sau khi nhận được sự ủng hộ từ nhiều ông lớn trong ngành tại chiến dịch tranh cử chức Tổng Chưởng lý tiểu bang California cách đây hơn một thập kỷ, bà Harris vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với nhóm này cho đến ngày nay.

Ví dụ như, vị Phó Tổng thống đã tham dự đám cưới của ông Sean Parker, nhà đồng sáng lập Napster cách đây hơn một năm. Em rể của bà Harris là ông Tony West, Giám đốc Pháp lý tại Uber.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống, nữ ứng cử viên đã nhận được vô số khoản tài trợ và sự ủng hộ công khai từ nhiều Giám đốc Điều hành công nghệ quyền lực, bao gồm "nhà đầu tư siêu thiên thần" Ron Conway, đồng sáng lập LinkedIn kiêm nhà tài trợ lâu năm của Đảng Dân chủ Reid Hoffman và CEO Salesforce Marc Benioff. 

Mặc dù có mối quan hệ thân tình với Big Tech là vậy, bà Kamala Harris cũng không ngần ngại đưa ra vô vàn quy định khắt khe nhằm bảo vệ người tiêu dùng và buộc các công ty phải áp dụng công nghệ mới một cách có trách nhiệm. 

Trước đây, trong thời gian còn làm Thượng nghị sĩ, ứng cử viên Đảng Dân chủ được cho là đã lên tiếng chỉ trích một số CEO nền tảng truyền thông xã hội như CEO Mark Zuckerberg về vấn đề phát tán thông tin sai lệch.

Bà Harris cũng bày tỏ quan điểm kiên định về quyền riêng tư công nghệ, đặc biệt khi đề cập tới việc bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ, nhấn mạnh rằng các công ty công nghệ lớn nên được "quản lý nhằm đảm bảo người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể chắc chắn rằng quyền riêng tư cá nhân không bị xâm phạm" trong một chiến dịch diễn ra vào năm 2020.

AI LÀ “MỐI ĐE DỌA HIỆN HỮU”

Phó Tổng thống cũng có những chia sẻ rất thẳng thắn về thách thức xung quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Kể từ khi được bổ nhiệm trở thành người đứng đầu chương trình giám sát AI ngay sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, bà Harris đã cam kết đặt ra bộ luật dành riêng cho ngành, liên tục bình luận về "mối đe dọa hiện hữu" mà xã hội phải đối mặt do công nghệ gây ra trong nhiều bài phát biểu trước công chúng, cũng như một số rủi ro ngắn hạn khác.

Nữ lãnh đạo thậm chí còn đưa ra lời cảnh báo tới các CEO công nghệ hàng đầu, bao gồm Giám đốc Điều hành OpenAI Sam Altman và Giám đốc Điều hành Microsoft Satya Nadella, rằng Big Tech có "trách nhiệm đạo đức, pháp lý" trong việc giảm thiểu rủi ro AI.

Bà Harris cũng đồng tình với quan điểm của Tổng thống Joe Biden rằng việc bảo vệ người dân khỏi hiểm hoạ AI không nhất thiết phải đi ngược lại với quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. 
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. 

Vị Phó Tổng thống đã tập trung vào một số vấn đề điển hình như lừa đảo AI, deepfake và sự thiên vị của thuật toán trong bài phát biểu thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Toàn cầu về An toàn AI diễn ra tại London (Vương Quốc Anh) vào tháng 11/2023.

Tuy nhiên, với việc Hoa Kỳ vẫn tụt hậu so với Liên minh châu Âu trong việc tạo ra bộ luật quản lý AI, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu quan điểm về trí tuệ nhân tạo nói riêng và công nghệ mới nói chung của bà Kamala Harris có tác động như thế nào tới đời sống người dân Hoa Kỳ.

CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP DƯỜNG NHƯ ÍT QUAN TÂM ĐẾN RỦI RO AI

Mặt khác, cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần công khai chỉ trích cách làm việc của một số công ty tại Thung lũng Silicon.

Chỉ tuần trước, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã đe dọa sẽ bỏ tù những cá nhân “gian lận bầu cử” với lời lẽ nhắm thẳng tới CEO Meta Mark Zuckerberg.

Cựu Tổng thống Trump gần đây cũng nhận định các Big Tech hiện tại đang "quá lớn" và "quá quyền lực" trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris (trái) và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump (phải).
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris (trái) và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump (phải).

Tuy nhiên, giống như bà Harris, ông Donald Trump cũng đang nhận được rất nhiều khoản tài trợ từ các tỷ phú công nghệ ủng hộ tư tưởng tự do, làm dấy lên lo ngại rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa sẽ không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các công ty công nghệ độc quyền nếu thắng cử vào cuối năm nay.

Cựu Tổng thống Trump cũng từng phê bình công khai AI, tuyên bố rằng công nghệ này có thể là "thứ nguy hiểm nhất trên thế giới" sau khi hàng loạt hình ảnh và video deepfake về ông xuất hiện vào đầu năm nay. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate