Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 tổ chức ngày 31/10.
"GIÁO DỤC LUÔN CÓ BẤT CẬP, PHẢI NHÌN NHẬN BÌNH TĨNH"
Năm học 2019-2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung, ngành giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Do đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành nhiều thời gian hơn để chỉ rõ những bất cập còn tồn tại của ngành. Cho rằng, giáo dục luôn luôn có nhiều bất cập, song Phó thủ tướng đồng tình với các ý kiến là chúng ta phải bĩnh tĩnh.
Phó thủ tướng ví dụ một nước đang phát triển như Việt Nam, thu nhập trên đầu người còn thấp thì làm sao đòi hỏi có đủ tất cả trường lớp đều hiện đại, lương giáo viên như các nước phát triển được. Cho nên câu chuyện thiếu trường lớp, cơ sở vật chất, thiếu biên chế, lương giáo viên đương nhiên luôn là vấn đề bất cập.
Những câu chuyện tiêu cực khác trong ngành giáo dục, từ bạo hành học đường, dạy thêm, học thêm, sự cố thi cử năm nào cũng có. "Cứ mỗi lần có sự cố lại có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi, nhưng nếu chúng ta kiên trì, đã hoàn thành được chặng đầu của đổi mới 6 năm thì không có lý do gì để dừng lại không đổi mới nữa", Phó thủ tướng lưu ý.
Gần đây nhất liên quan đến câu chuyện của Đại học Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận, Phó thủ tướng cho rằng cần nhìn nhận rất "bình tĩnh", bởi vì tự chủ của Đại học Tôn Đức Thắng cũng "chưa ăn thua gì", quan trọng là phải làm rõ cái gì đúng cái gì sai.
"Tôi đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đoàn công tác do đồng chí Thứ trưởng trực tiếp vào, đúng là đúng, sai là sai nhưng xu thế chung là chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường. Vì tự chủ về chuyên môn, học thuật là hồn cốt của đổi mới giáo dục, giáo dục đại học không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi truyền bá tri thức, muốn như vậy thì phải có những thứ tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính.
Hơn một lần nhắc lại phải bình tĩnh nhìn nhận, Phó thủ tướng nhấn mạnh nói như vậy để thấy rằng, chúng ta đã vượt lên khó khăn, ngành giáo dục có được những bước tiến bộ rõ ràng, nhiều mặt. Những điều đó không nên vì một số điểm chưa hài lòng, khiếm khuyết gần như đương nhiên trong quá trình đổi mới mà mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, nghị quyết của Trung ương.
QUAN TÂM ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
Nhấn mạnh đến việc phải quan tâm đầu tư cho giáo dục, Phó thủ tướng cho rằng tới đây việc này phải được các cấp đảng ủy, chính quyền ưu tiên, đặc biệt lưu ý đến câu chuyện biên chế giáo viên.
"Tôi nói với anh em giáo dục là mời anh Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu nhưng anh Cường nói thôi, ý kiến của Bộ Nội vụ đã rõ rồi. Ai cũng biết tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết nhưng chúng ta không thể để trường lớp thiếu giáo viên được. Cái này các đồng chí lãnh đạo các tỉnh/thành, ngoài vấn đề trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sau hội nghị có kiến nghị mạnh mẽ về vấn đề này", Phó Thủ tướng lưu ý.
Thực tế, hiện cả nước vẫn thừa thiếu cục bộ, trong khi nghịch lý là còn hàng chục nghìn giáo viên dạy hợp đồng từ 10 -15 năm không có biên chế.
Một vấn đề theo Phó thủ tướng rất quan trọng cần phải nhắc lại đó là văn hóa trong giáo dục, nhưng mảng này lâu nay vẫn bị bỏ sót. Chúng ta nói kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội…mà giáo dục là một trong những ngành trực tiếp nhất đào tạo nên con người. Do đó, tới đây cần tập trung hơn khái niệm văn hóa trong giáo dục. Cái cụ thể nhất đầu tiên là từng trường học, cơ sở giáo dục phải là những cơ sở, biểu tượng văn hóa.
"Tất cả những thứ mà chúng ta phải vật vã, khổ sở đổi mới thi cử thì chưa thể giao về cho địa phương được. Bởi vì thi chặt như thế mà còn ăn gian, còn xin điểm", Phó thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó thủ tướng, trong quá trình đổi mới giáo dục, để mọi người hiểu và đồng thuận tham gia với ngành giáo dục thì phải hết sức cầu thị, có trao đi đổi lại, tất cả trên một tinh thần bằng tấm lòng thật chứ không phải đối phó để tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp.
"Chừng nào người dân còn quan tâm, ngành giáo dục còn may mắn, các anh chị cán bộ giáo dục ở các cấp cũng đừng lo, người dân la mình nhưng là thương mình. Người dân rất công bằng, những thứ mình làm được người dân rất ủng hộ, có những thứ người dân phê phán mình rất gay gắt là còn thương mình", Phó thủ tướng cho biết.
Phó thủ tướng cũng nhìn nhận, đổi mới giáo dục là một quá trình không thể đòi hỏi một năm là xong được nên phải kiên trì. "Ngay năm nay khi có dịch xảy ra, rất nhiều ý kiến, báo chí báo cáo lên là có đến 87% dư luận qua các mạng xã hội nói là bỏ thi tốt nghiệp đi, nên chúng ta đã phải rất kiên trì, sách giáo khoa cũng phải cuốn chiếu. Năm nay sách giáo khoa lớp 1 có những trục trặc như vậy, nhưng chúng ta cứ bình tĩnh, bởi vì cái hồn cốt là chương trình, hai là phá thế độc quyền để quy tụ được nhiều người làm sách hơn nhằm có sách giáo khoa tốt hơn", Phó thủ tướng lưu ý.
Do đó, năm đầu tiên làm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm khắc nhìn vào những thứ chưa tốt để chấn chỉnh.