Giá vàng thế giới tăng rồi lại giảm quanh mốc 1.900 USD/oz sau khi có tin hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đã nhất trí gặp thương đỉnh để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Giá vàng miếng trong nước tăng nhẹ, giá USD tự do và ngân hàng cùng đi ngang.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 62,67 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,22 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 120.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,9 triệu đồng/lượng và 54,55 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 100.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 62,75 triệu đồng/lượng và 63,35 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 200.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn khoảng 10,6-10,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa vàng vàng trong nước và thế giới đang liên tục rút ngắn từ mức hơn 13 triệu đồng/lượng sau Tết âm lịch.
Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng miếng cũng thu hẹp hiện còn phổ biến 600.000-700.000 đồng/lượng từ mức 1,7-1,8 triệu đồng lượng sau Tết.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.899,2 USD/oz, giảm 1 USD/oz so với đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương 52,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trước đó trong sáng nay, có thời điểm giá vàng tăng lên ngưỡng 1.910 USD/oz do nhu cầu phòng ngừa rủi ro gia tăng vì khủng hoảng địa chính trị Nga-Ukraine.
Vàng giảm giá sau khi có tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí có một cuộc gặp thượng đỉnh để tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine. Diễn biến này mở ra một lối thoát tiềm năng cho một trong những cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất ở châu Âu trong vòng nhiều thập kỷ.
Đây được xem là diễn biến tích cực sau một tuần căng thẳng leo thang ở biên giới Ukraine, khi phương Tây cáo buộc Nga gia tăng lực lượng ở khu vực này. Nỗi lo sợ gia tăng sau khi Bộ Quốc phòng Belarus nói rằng Nga sẽ kéo dài các cuộc tập trận ở Belarus sau khi các cuộc tập trận này đến hạn kết thúc vào ngày Chủ nhật.
Tuần này, các tin tức từ Ukraine và triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục chi phối giá vàng.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 2 của Mỹ – một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu. Giới đầu tư sẽ lấy đây làm căn cứ để điều chỉnh kỳ vọng chính sách tiền tệ.
Nỗi lo lạm phát đang khiến vàng trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và tiền ảo – theo Chủ tịch Kevin Grady của Phoenix Futures and Options LLC trong một cuộc trao đổi với trang KitcoNews. “Diễn biến giá vàng đang bị chi phối nhiều bởi câu chuyện lạm phát…Fed đang mất kiểm soát về lạm phát, và thị trường năng lượng đang chịu áp lực tăng giá rất lớn từ yếu tố nhu cầu”, ông Grady nói.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của cho rằng 1.930 USD/oz đang là một ngưỡng kháng cự quan trọng đối với vàng, trong khi 1.880 USD/oz là ngưỡng hỗ trợ. Về phần mình, ông Grady nhận định giá vàng đang gặp kháng cự ở vùng 1.919-1.922 USD/oz và được hỗ trợ ở mức 1.881 USD/oz.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.460 đồng (mua vào) và 23.510 đồng (bán ra), tương ứng tăng 10 đồng và không thay đổi so với cuối tuần.
Ngân hàng Vietcombank giữ nguyên báo giá USD ở mức 22.700 đồng và 22.980 đồng, sau khi tăng 170 đồng trong 5 ngày.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm hơn 0,2% so với đóng cửa tuần trước, về ngưỡng 95,85 điểm.