March 03, 2023 | 10:12 GMT+7

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ mang tên gì khi là thành phố trực thuộc Trung ương?

Nguyễn Thuấn -

Có tới gần 90% người dân tỉnh Thừa Thiên Huế chọn tên gọi "thành phố Huế" khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương....

Thành phố Huế từ góc nhìn trên cao
Thành phố Huế từ góc nhìn trên cao

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 1 tháng tỉnh này triển khai lấy ý kiến người dân về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, đa số người dân chọn phương án tên gọi "thành phố Huế" khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, tính đến ngày 21/2, đã có gần 30.000 lượt bình chọn cho các phương án được tỉnh Thừa Thiên Huế lấy ý kiến. Trong đó, phương án tên gọi khi cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đa số người dân đều chọn phương án tên gọi "thành phố Huế", với tỷ lệ 87,1%.

Đây cũng là tên gọi được các nhà nghiên cứu, học giả ủng hộ xét trên nhiều bình diện tại hội thảo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức trước đó. Theo các nhà nghiên cứu, học giả, việc đặt tên gọi "thành phố Huế" là đủ sức lan tỏa, thuận lợi trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Từ ngày 10/1/2023, tỉnh Thừa Thiên Huế lấy ý kiến người dân về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh trong thời gian 2 tháng.  

Thừa Thiên Huế lấy ý kiến của người dân về phương án thành lập các đơn vị hành chính, tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện gồm quận phía nam sông Hương và quận phía bắc sông Hương khi chia thành phố Huế hiện tại thành 2 quận.

Về phương án thành lập các đơn vị hành chính, có 2 phương án được lấy ý kiến. Phương án 1 là thành lập 3 quận (quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương và quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện; phương án 2 là thành lập 2 quận (quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương), 3 thị xã (Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện.

Về tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có 2 phương án, gồm phương án 1 sẽ lấy tên "thành phố Huế", và phương án 2 là "thành phố Thừa Thiên Huế".

Đối với tên gọi quận phía nam sông Hương, có 3 tên gọi được đưa ra để lấy ý kiến người dân là Thừa Thiên, Thuận Hóa, Ngự Bình. Quận phía bắc sông Hương cũng có 3 tên gọi để người dân lựa chọn là Phú Xuân, Thuận Hóa, Hương Giang. Ngoài tất cả những phương án trên, người dân cũng có thể đưa ra những phương án khác.

Theo Nghị quyết 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Năm 2023 cũng là năm mà tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện các hồ sơ trình các Bộ, ban, ngành, Chính phủ vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dốc toàn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tạo những đột phá để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế xác định đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững. Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử và đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Một trong những vấn đề quan trọng trước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đó là vấn đề quy hoạch. Việc quy hoạch, phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế phải dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch. Trên cơ sở đó hình thành một đô thị đẳng cấp: thứ nhất là thành phố du lịch dịch vụ đẳng cấp cao và thứ hai là một Trung tâm giáo dục đào tạo, Trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt. Từ đó thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống cho chính những người dân ở địa phương.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate