Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nghe báo cáo về nội dung Đề án phát triển tổng thể lĩnh vực bô xít- alumin- nhôm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện TKV cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 26/6/2023 và Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại Thông báo số 52/TB-UBQLV ngày 16/8/2023, TKV đã tổ chức xây dựng Đề án phát triển tổng thể lĩnh vực bô xít - alumin - nhôm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đề án).
Theo nội dung của Đề án, TKV đặt mục tiêu xây dựng và phát triển lĩnh vực bô xít- alumin- nhôm thành lĩnh vực hoạt động chiến lược của Tập đoàn, giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin - nhôm của Việt Nam. Giai đoạn tới năm 2030, TKV tập trung đầu tư mở rộng nâng công suất Tổ hợp alumin Nhân Cơ, Tân Rai lên 2,0 triệu tấn alumin/năm và đầu tư mới Tổ hợp bô xít, alumin, nhôm Đắk Nông 2.
Để thực hiện Đề án, TKV cần thăm dò bổ sung và đầu tư 7 dự án tổ hợp khai thác, chế biến với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TKV cũng nêu một số khó khăn,vướng mắc kiến nghị xem xét xử lý về cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn đã triển khai các dự án bô- xít, kinh nghiệm quốc tế để dự kiến khi thực hiện đề án như: sử dụng đất sau khai thác, cơ chế về cung cấp điện khi đầu tư các nhà máy điện phân nhôm, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng giao thông...
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến góp phần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Đề án. Ông Hà Văn Thắng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, phân tích thêm về nội dung báo cáo của TKV, đồng thời đề nghị TKV nghiên cứu, rà soát tính khả thi trên cơ sở đối chiếu với kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Vụ chức năng, báo cáo bổ sung, giải trình của TKV tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng đề nghị TKV cần xác định rõ mục tiêu xây dựng Đề án, rà soát cơ sở pháp lý, các điều kiện đáp ứng triển khai trong đó có nội dung quan trọng về chủ trương, cơ chế chính sách, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và yêu cầu phối hợp đồng bộ về đầu tư hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, hài hoà lợi ích của Nhà nước, địa phương - người dân và doanh nghiệp.
TKV cần tiếp tục rà soát định hướng phát triển và năng lực đầu tư gắn với Chiến lược phát triển TKV đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, các quy định pháp luật về hoạt động khoáng sản, đầu tư, đất đai, môi trường, thuế, phí... để phân tích, báo cáo rõ tính hợp lý, yêu cầu thực tiễn của các kiến nghị về cơ chế chính sách với cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm cơ sở củng cố tính khả thi của Đề án.
Trên cơ sở đó, TKV tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Bộ Công Thương hướng dẫn, xem xét để trình cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 26/6/2023.