Tòa án Tối cao Mỹ ngày 11/12 tuyên bố không thụ lý vụ kiện của bang Texas đòi xem lại kết quả bầu cử tại 4 bang chiến trường. Động thái này khiến nỗ lực của Tổng thống Donald Trump, người ủng hộ đơn kiện của Texas, nhằm đảo ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden thêm phần vô vọng.
Theo tin từ Reuters, 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao ra một tuyên bố nói rằng bang Texas không có vị thế pháp lý để kiện các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Đây là lần thứ hai trong tuần này Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ nỗ lực của phe ông Trump nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11. Trước vụ kiện này, một vụ kiện tương tự từ bang Pennsylvania đã bị từ chối thụ lý.
Đơn kiện từ Texas được nộp lên Tòa án Tối cao vào hôm thứ Ba tuần này, bởi tổng chưởng lý của bang, vốn là một đồng minh của ông Trump. Hôm thứ Tư, ông Trump đề nghị được can thiệp vào vụ kiện và trở thành một nguyên đơn. Hôm thứ Năm, bốn bang bị Texas kiện đề nghị Tòa án Tối cao bác đơn kiện này, cho rằng đơn kiện không có căn cứ thực tế hay pháp lý gì.
Điều đáng nói là những nỗ lực này bị Tòa án Tối cao bác bỏ cho dù các thẩm phán bảo thủ chiếm tới 6 ghế trong số 9 ghế tại cơ quan này, trong đó có 3 vị là người được ông Trump bổ nhiệm.
Trước cuộc bầu cử, ông Trump đã nói rằng ông hy vọng kết quả bầu cử sẽ được quyết định tại Tòa án Tối cao. Ông lấy đó làm một lý do để hối thúc Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số nhanh chóng phê chuẩn thẩm phán Amy Coney Barrett - người được ông đề cử cho một ghế tại Tòa án Tối cao - trước khi diễn ra cuộc bầu cử.
"Texas chưa chứng minh được lợi ích có thể nhận thức trên phương diện pháp lý đối với bang này trong phương thức mà một bang khác tiến hành cuộc bầu cử của họ", tuyên bố của Tòa án Tối cao lý giải vì sao bác đơn kiện của Texas.
Nhà Trắng và chiến dịch tranh cử của ông Trump hiện chưa đưa ra phản ứng nào về tuyên bố này. Một phát ngôn viên của ông Biden nói "không có gì đáng ngạc nhiên" khi Tòa án Tối cao khước từ "những nỗ lực vô căn cứ" nhằm phủ nhận việc ông Trump thất cử.
Trong một tuyên bố, tổng chưởng lý bang Michigan, bà Dana Nessel, một nhân vật Dân chủ, nói rằng phán quyết trên là "lời nhắc nhở quan trọng rằng Mỹ là một quốc gia thượng tôn pháp luật. Ai đó có thể tìm cách bẻ cong luật pháp vì mong muốn cá nhân, nhưng tòa án thì không".
Đến hiện tại, ông Trump vẫn chưa nhận thua, dù các nỗ lực của ông và đồng minh nhằm đảo ngược kết quả bầu cử đều thất bại. Ông vẫn giữ quan điểm cho rằng cuộc bầu cử có gian lận.
Phe Dân chủ và các nhà phê bình khác cáo buộc ông Trump cố tình gây mất niềm tin của công chúng vào tính trung thực của bầu cử Mỹ và làm suy yếu nền dân chủ Mỹ thông qua tìm cách bóp méo ý chí của cử tri nước này.