May 24, 2022 | 15:02 GMT+7

Toàn cảnh xử lý nợ xấu sau gần 5 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực

Nếu không kéo dài Nghị quyết số 42, sẽ thiếu công cụ đủ mạnh và dài hơi để xử lý nợ xấu tích tụ trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch và quá trình hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp Quốc hội sáng 24/5/2022
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp Quốc hội sáng 24/5/2022

Tiếp tục kỳ họp thứ ba vào sáng 24/5, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa uỷ quyền Thủ tướng trình báo cáo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng. 

Như vậy, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).

 

Tính đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Đến 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức 6,31%.

Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và hình thức tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%).

Trong đó, khách hàng trả nợ 148,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,28%; tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ trả nợ 3,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,63%; bán, phát mại tài sản bảo đảm 8,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,06%; bán cho các tổ chức khác: 24,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,29%; các hình thức xử lý khác: 13,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,86%.

Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%);  xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (không bao gồm hình thức tổ chức tín dụng mua lại khoản nợ xấu từ VAMC), chiếm 21,70%.

Thống đốc cho rằng, trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Việc thi hành Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần rất lớn vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý, kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Trong nước, nhiều doanh nghiệp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, bởi vậy người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhận định, nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới.

"Đến 31/12/2021, trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao là 6,31%. Nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng. Xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm do dịch Covid-19 tác động đến tình hình tài chính của khách hàng", bà Hồng thông tin.

Do vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42. Bởi đến hết ngày 15/8, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng, việc xử lý nợ xấu sẽ kéo dài…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate