March 08, 2022 | 09:38 GMT+7

Kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 thêm 3 năm

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 được đánh giá hiệu quả nhưng tháng 8/2022 cũng là thời gian thí điểm kết thúc...

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025, tức kéo dài thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại.

Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Lý giải về các đề xuất trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong gần 5 năm áp dụng Nghị quyết số 42, công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các quy định tại Nghị quyết số 42 đã được các tổ chức tín dụng, VAMC áp dụng có hiệu quả trên thực tế. Trong đó, tổ chức tín dụng đã tích cực hơn trong công tác xử lý nợ xấu và ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao.

Tuy nhiên, khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42. 

Trái lại, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn còn và có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi dịch Covid–19 chưa được kiểm soát. Theo đánh giá thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31%. Nhìn chung, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, đáng quan ngại.

Tại khía cạnh khác, hiện nay Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Song, trong thời gian xây dựng Luật xử lý nợ xấu, việc không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ dẫn đến không còn hành lang pháp lý cho cơ chế xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC.

Vì vậy, ban soạn thảo trình Chính phủ báo cáo và đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp lý như xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 giai đoạn 2022 – 2025…

Được biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 là Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Tuy nhiên, đây là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành.

 

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống đến 30/11/2021 là 420 nghìn tỷ đồng, giảm 4,65% so với cuối năm 2020 và giảm 15,74% so với ngày 14/8/2017.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 30/11/2021 đạt trung bình khoảng 5,66 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,14 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate