Mỹ và Trung Quốc - Hồng Kông hiện đang là hai thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng lần lượt là 21% và 18% tính đến thời điểm cuối năm 2023. Sau đó đến EU với tỷ trọng 12%; Hàn Quốc 10%; Nhật Bản 15% còn lại là các thị trường khác.
Bước sang tháng 1/2024, Trung Quốc và Hồng Kông trở thành thị trường lớn nhất, chiếm 17,5% tổng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 1 tăng mạnh tới 275% so với cùng kì năm 2023 và mang về trị giá 42 triệu USD.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ (chiếm tỷ trọng 17%) với đà tăng trưởng tiếp nối giai đoạn những tháng cuối năm 2023. Dù được đánh giá là có thể bị ảnh hưởng bởi vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ nhưng con tôm Việt Nam xuất khẩu sang nước này trong tháng 1/2024 vẫn tăng 77% đạt 41 triệu USD.
TÔM ECUADOR GẶP KHÓ Ở TRUNG QUỐC
Tại Trung Quốc, Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với nguồn tôm đến từ Ecuador. Trung Quốc, thị trường hàng đầu của Ecuador với 57% thị phần xuất khẩu trong tháng 1/2024. Tuy nhiên đang có nhiều lợi thế hơn cho Việt Nam để bứt phá vào thị trường này.
Theo Vasep, trong khi nín thở chờ quyết định của Mỹ về việc áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu, Ecuador tiếp tục phải rà soát và siết chặt quy định nội bộ về xuất khẩu tôm ngay khi Trung Quốc gửi thư cảnh báo về dư lượng chất sodium metabisulfite được tìm thấy trong một số đơn hàng.
Tháng đầu năm 2024, tôm Ecuador bị “soi” tại thị trường Trung Quốc sau khi blogger Wang Hai, vốn được mệnh danh là chuyên gia chống hàng giả, đã “vạch trần” tôm Ecuador được bán trên nền tảng thương mại có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.
Cụ thể, trong phiên “livestream” hồi tháng 1/2024, Wang Hai công bố kết quả xét nghiệm tôm trong đơn hàng ông mua trên East Buy, một trong những nhà bán hàng online lớn nhất Trung Quốc. Kết quả phát hiện 0,155 gr/kg lưu huỳnh dioxide (một chất bảo quản được sử dụng rộng rãi trong chế biến tôm) – vượt ngưỡng cho phép theo quy định của Trung Quốc (0,1 gr/kg). Phía East Buy đã phản hồi với phát ngôn rằng hãng đã “dán nhãn” nhầm sản phẩm tôm nuôi với tôm khai thác. Theo quy định của EU và Mỹ, các công ty xuất khẩu tôm phải đảm bảo nhãn dán trên sản phẩm ghi cụ thể hàm lượng thành phần lưu huỳnh dioxide nếu vượt quá 10 mg/kg.
Quanlian Jicai, công ty nhập khẩu tôm hàng đầu tại Trung Quốc, cho biết kể từ phiên livestream của blogger 50 tuổi Wang Ha, niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay, các đơn hàng tôm bắt đầu ít đi và có khả năng trong thời gian tới nhập khẩu tôm Ecuador sẽ giảm.
Phòng nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador (CNA) cho biết đang làm việc với các nhà xuất khẩu tôm để “siết chặt quy trình nội bộ” sau khi Trung Quốc bày tỏ lo ngại về việc bao bì sản phẩm tôm Ecuador dán nhãn không đúng quy cách và dư lượng sodium metabisulfite tìm được trong một số đơn hàng tôm. Tuyên bố của CNA được đưa ra sau khi Trung Quốc có tin đồn về ba công ty Ecuador (Industrial Pesquera Santa Priscila, Sociedad Nacional Galapagos (Songa) và Exportquilsa) bị ngừng xuất khẩu vào nước này, liên quan tới vấn đề dán nhãn. Tuy nhiên, có một số nguồn tin khác cho rằng ba công ty này đã chủ động ngừng chuyển hàng. Hiện vẫn chưa có tuyên bố chính thức về sự việc này.
Trong khi đó, đất nước Ecuador nói chung và ngành tôm nói riêng đang phải đối mặt với tình hình an ninh vô cùng bất ổn, chạm mức báo động, gây ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi và tương lai của ngành.
Năm 2023, ngành tôm Ecuador ghi nhận tổng cộng 77 vụ việc liên quan đến tội phạm, khiến 58 người bị thương và 4 người chết. Không những thế, đầu năm 2024 sự việc có vẻ còn tồi tệ hơn, tình hình bất ổn an ninh trên khắp đất nước lên tới mức báo động. Chỉ sau hai tháng nhậm chức, Tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử Ecuador Daniel Noboa đã phải “vật lộn” với tình hình bạo lực ngày càng gia tăng trên khắp đất nước. Hàng loạt vụ nổ đã xảy ra, nhiều cảnh sát bị bắt cóc, phương tiện giao thông bốc cháy, các cuộc nổ súng xảy ra tại hàng loạt khu vực trọng điểm, bao gồm thủ đô Quito và các thành phố Esmeraldas, Cuenca.
Một người nuôi tôm tại Guayas cho biết không để công nhân đi làm ca đêm, đồng thời hướng dẫn họ đi làm bằng nhiều tuyến đường khác nhau, thậm chí không yêu cầu họ mặc áo phông hoặc quần áo có in logo trại tôm.
Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra cảng với tôm Ecuador, đặc biệt là các quy định về nhãn mác và dư lượng chất sulfite. Thượng Hải, Thanh Đảo và Trạm Giang cũng tăng cường kiểm tra các lô hàng tôm. Kể từ ngày 12/3, Hải quan Trung Quốc chưa công khai bất kỳ thay đổi chính sách nào sắp tới.
CƠ HỘI CHO TÔM VIỆT NAM
Khối lượng xuất khẩu từ Ecuador sang Trung Quốc giảm 14% trong khi giá trị giảm 27% xuống 50.783 tấn trị giá 225 triệu USD. Đây là cơ hội cho tôm Việt Nam đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc.
Trước đây xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu xuất bằng đường bộ nên chỉ phục vụ được khu vực các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Hiện nay, xuất khẩu đường biển đang chiếm tỷ lệ rất cao, đây sẽ là yếu tố giúp đưa hàng vào sâu nội địa Trung Quốc và tạo ra nhiều cơ hội hơn ở thị trường này.
Giá tôm nuôi trên khắp Trung Quốc tăng mạnh trở lại trong tuần 10/2024 (4-10/3/2024) do nguồn cung tôm sống trong nước và tôm đông lạnh nhập khẩu đều thiếu hụt.
Vào ngày 10/3, giá các loại tôm cỡ khác nhau ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang, tỉnh Quảng Đông đã tăng 2-4 NDT (0,28-0,56 USD)/kg so với tuần trước đó. Giá mỗi kg tôm cỡ 80 con đã tăng lên 38 NDT/kg. Ở các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông, giá còn tăng cao hơn.
Vào ngày 10/3 tại Rudong, Giang Tô, nơi có nhà kính nuôi tôm mùa đông, giá tôm cỡ 60 con đạt 58 NDT/kg (8,09 USD/kg). Tại Duy Phường, Sơn Đông, nơi nuôi trồng trên đất liền đang mở rộng, giá tôm cỡ 40 con đạt 62 NDT/kg.
Fish First nêu hai lý do chính dẫn đến việc tăng giá: khối lượng thu hoạch theo mùa thấp, kể từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, và giảm nhập khẩu từ Ecuador khi Hải quan Trung Quốc thắt chặt kiểm tra khiến thời gian chờ đợi lâu hơn.
Trên thực tế, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh tháng đầu năm 2024 là nhờ bất ổn ở Biển Đỏ, khiến giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ sang Trung Quốc tăng cao, trong khi giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc không tăng. Dẫn đến nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc giảm nhập khẩu thủy sản từ Ecuador nói riêng, khu vực châu Mỹ, châu Âu nói chung, chuyển sang nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.