August 23, 2022 | 10:47 GMT+7

Tommy Hilfiger đổi quần áo cũ lấy tín dụng mua sắm

Minh Nguyệt -

Thương hiệu thời trang nước Mỹ đang hợp tác với nền tảng ThredUp để triển khai một chương trình bán lại của riêng mình, khuyến khích người mua sắm tạo điều kiện cho các sản phẩm may mặc có được “một cuộc sống thứ hai”…

Làn sóng thời trang second-hand (mua đi bán lại sản phẩm may mặc đã qua sở hữu) liên tục khẳng định sức hút khoảng một thập niên qua, đặc biệt giữa giai đoạn đại dịch. Theo thống kê từ tạp chí WWD, hiện có hơn 50 công ty thời trang quốc tế đang đầu tư thường trực vào thị trường đồ cũ. Góp mặt khá đông đảo trong số này là những tập đoàn bán lẻ, nhà mốt lớn như Burberry, Louis Vuitton, Levi’s, Nordstrom, Gucci, GAP và H&M. 

Bên cạnh đó, xu hướng bán lại trực tuyến dường như bùng nổ với tất cả các thế hệ. Theo báo cáo của First Insight và Trung tâm Bán lẻ Baker tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, sở thích mua sắm ở các thị trường thứ cấp đã tăng lên ở mọi giới hạn tuổi tác của người tiêu dùng. Trong hai năm qua, nghiên cứu cho thấy việc sử dụng để bán lại của Gen X tăng 35% và thế hệ millennials tăng 33%. Gen Z tăng 44%.

Các đối tác chuyên doanh mặt hàng second-hand như ThredUP, Fashionphile, Goodfair ngày càng hút khách nhờ khả năng cung ứng đa dạng dịch vụ, đề cao tiêu chí tiện lợi, nhanh gọn. Thông qua kênh bán lẻ trực tuyến, khách hàng có thể thuê hoặc mua một thiết kế hàng tồn tại kho của nhà sản xuất, trao đổi đồ cũ giá trị tương đương với người cùng sở thích, hoặc chọn mua số lượng nhiều qua hình thức “gói sản phẩm tổng hợp” từ các nhãn hiệu khác nhau.

Mới đây, thương hiệu thời trang toàn cầu Tommy Hilfiger, thuộc sở hữu của PVH Corp., đã quyết định hợp tác với nền tảng bán lẻ trực tuyến ThredUp Inc. để triển khai chương trình “bán lại 360” cho phép người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đổi quần áo đã qua sử dụng lấy tín dụng Tommy Hilfiger. Theo đó, bất kỳ mặt hàng nào được chọn để bán lại, khách hàng sẽ nhận được tín dụng mua sắm của Tommy Hilfiger có thể được sử dụng cả trực tuyến và tại cửa hàng.

Các loại trang phục phụ nữ và trẻ em cũ từ bất kỳ thương hiệu nào, cũng như quần áo nam giới của Tommy Hilfiger có thể gửi đến ThredUp miễn phí.
Các loại trang phục phụ nữ và trẻ em cũ từ bất kỳ thương hiệu nào, cũng như quần áo nam giới của Tommy Hilfiger có thể gửi đến ThredUp miễn phí.

Chương trình được kích hoạt bởi nền tảng bán lại RaaS của ThredUp, cung cấp các dịch vụ bán lại có thể mở rộng và tùy chỉnh cho các nhà bán lẻ. Khách hàng của Tommy Hilfiger ở Hoa Kỳ có thể tải nhãn vận chuyển trả trước từ tommy.thredup.com, dán vào bưu kiện với các loại trang phục phụ nữ và trẻ em không còn dùng đến từ bất kỳ thương hiệu nào có trong tủ của họ, cũng như các sản phẩm dành cho nam của Tommy Hilfiger và gửi đến ThredUp miễn phí.

Tuy phần lớn các thương hiệu sẽ được chấp nhận, có khả năng chỉ 50% mặt hàng đủ điều kiện để bán lại. Theo trang web của ThredUp, các thương hiệu có giá trị thấp không có nhiều khả năng nhận được khoản thanh toán lớn vì “chi phí xử lý sẽ cao hơn giá trị bán lại”. Các mặt hàng cũng phải được gửi đến trong tình trạng không có vết bẩn hoặc hư hỏng để đủ điều kiện cho dịch vụ. Nếu các mặt hàng của họ không được bán lại trong thời hạn 30 ngày, người dùng có thể yêu cầu thương hiệu trả lại hoặc tái chế các mặt hàng của họ.

ThredUp bắt đầu giới thiệu hoạt động “bán lại 360” trên nền tảng RaaS vào tháng 7/2021, với thương hiệu denim Madewell của J. Crew Group. “Madewell Forever” được tung ra với hơn 3.000 quần jean nữ đã qua sử dụng và cả các sản phẩm mới được bổ sung hàng giờ nếu có. Các sản phẩm này do Madewell tuyển chọn và được lưu trữ qua kho của ThredUp. Nền tảng bán lại sau đó cũng đã hợp tác với một số nhà bán lẻ khác, bao gồm PacSun, Walmart, J.C. Penney và Abercrombie & Fitch.

Giám đốc điều hành của ThredUp James Reinhart cho biết, sự cống hiến của Tommy Hilfiger trong việc tạo ra quần áo chất lượng cao sẽ tiếp tục củng cố tiềm năng thời trang tuần hoàn, đồng thời nói thêm rằng “các sản phẩm của thương hiệu được tạo ra để vượt qua bài thử của thời gian cả với kiểu dáng trang nhã và chất lượng bền bỉ, khiến việc bán lại trở nên phù hợp với xu hướng hiện tại".

Bất kỳ mặt hàng nào được chọn để bán lại, khách hàng sẽ nhận được tín dụng mua sắm của Tommy Hilfiger có thể được sử dụng cả trực tuyến và tại cửa hàng.
Bất kỳ mặt hàng nào được chọn để bán lại, khách hàng sẽ nhận được tín dụng mua sắm của Tommy Hilfiger có thể được sử dụng cả trực tuyến và tại cửa hàng.

Trước đó, hồi tháng 5, Tommy Hilfiger cũng hướng tới một tương lai phát triển bền vững hơn, với sáng kiến ​​“Play It Forward” kết hợp cùng nam ca sĩ Shawn Mendes. Chiến dịch tập trung giới thiệu chất liệu vải denim bền vững được sản xuất bằng cách sử dụng 20% ​​bông tái chế sau khi tiêu dùng và cần ít nước và năng lượng hơn trong quá trình hoàn thiện. 

Bên cạnh đó, một khoản quyên góp trị giá 1 triệu USD cho “Wonder: The World Tour” của nam ca sĩ, tour diễn được tổ chức nhằm cho các mục đích vì môi trường. Một phần của khoản quyên góp sẽ dành cho việc trồng bông tái sinh, trong khi phần lớn các trang phục sử dụng trong tour diễn sẽ được thiết kế riêng với các nguyên liệu bền vững. 

Và để củng cố cho sáng kiến ​​kép sẽ là một bộ sưu tập capsule được đồng thiết kế vào mùa xuân năm 2023. Phát biểu về dự án, Shawn Mendes cho biết: “Tôi luôn được truyền cảm hứng từ chính Tommy Hilfiger và thương hiệu mang tính biểu tượng mà ông đã xây dựng. Tôi mong muốn được học hỏi từ Tommy và đội ngũ tài năng của thương hiệu, khám phá cách thức tái hiện sự sáng tạo có thể có tác động tích cực đến ngành công nghiệp thời trang và chia sẻ ý nghĩa của việc sống bền vững”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate