Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan thực hiện nghiêm thủ tục hải quan với loại hình hàng gửi kho ngoại quan theo đúng quy định.
Cụ thể, các đơn vị hải quan yêu cầu doanh nghiệp thực hiện cập nhật thông tin hàng hóa được chấp nhận vào (get in) kho bãi, địa điểm đến Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) ngay sau khi hoàn thành việc xếp dỡ hàng hóa tại kho bãi, địa điểm.
Đồng thời, cập nhật kịp thời thông tin hàng hóa rút khỏi container đưa vào kho; thông tin ra khỏi (get out) kho bãi, địa điểm.
Các doanh nghiệp cũng cần cập nhật thông tin lên hệ thống VASSCM trong trường hợp hệ thống gặp sự cố và đã được khắc phục.
Bên cạnh đó, các đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật thông tin "get out" trên hệ thống đối với hàng hóa tiêu hủy, theo trường hợp hàng hóa đưa ra khỏi kho bằng chứng từ giấy.
"Trường hợp phát hiện doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan không thực hiện đầy đủ trách nhiệm có liên quan theo quy định, dẫn đến sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại thì kiểm tra, xác minh đánh giá và có văn bản báo cáo đề xuất chấm dứt hoạt động kho ngoại quan", Tổng cục Hải quan đề nghị.
Đối với điều kiện hoạt động kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát tổng thể toàn bộ kho ngoại quan do đơn vị quản lý.
Cùng với đó, cục hải quan các tỉnh, thành yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kết nối phần mềm quản lý của doanh nghiệp với hệ thống VASSCM theo đúng quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2020/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Trường hợp doanh nghiệp nào không đáp ứng điều kiện thì báo cáo Tổng cục Hải quan để chấm dứt hoạt động.
Theo quy định, kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào nội địa hoặc các khu phi thuế quan, chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền phải kê khai thông tin hàng hóa xuất kho ngoại quan với Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.
Đồng thời, hàng hóa gửi kho ngoại quan chỉ được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng.
Cũng theo quy định, sau khi hết thời hạn lưu giữ tại Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hiện tái xuất/nhập khẩu vào nội địa hoặc tiêu hủy.
Nhận diện thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại qua loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, trước đây, Tổng cục Hải quan cũng từng gửi nhiều công văn đề nghị rà soát hoạt động kho ngoại quan nhằm tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Theo đó, nhiều đối tượng không khai báo để đưa vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được phép gửi kho ngoại quan. Thậm chí, lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để tạm nhập, tái xuất hàng hóa né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Cá biệt, có trường hợp tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào kho ngoại quan nhưng thực tế lại không đưa vào kho...