Viện Thống kê châu Á - Thái Bình Dương (SIAP) là trung tâm đào tạo về Thống kê ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trực thuộc Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), được thành lập vào tháng 5 năm 1970, đặt tại Chiba-Nhật Bản. Chức năng chính của SIAP là cải thiện năng lực thống kê của các nước thành viên và thành viên liên kết.
Hoạt động chủ yếu của SIAP là tổ chức các khóa đào tạo thống kê, kết nối và hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và phổ biến thông tin thống kê nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hội đồng điều hành SIAP gồm đại diện Chính phủ Nhật Bản và 8 thành viên khác được ESCAP bầu từ các quốc gia thành viên và thành viên liên kết, có trách nhiệm đánh giá tình hình quản trị, tài chính và thực hiện chương trình công tác hàng năm và dài hạn của SIAP. Nhiệm kỳ của Hội đồng điều hành SIAP kéo dài 3 năm.
Nhận thư thông báo của ESCAP về việc ứng cử/tái ứng cử Hội đồng điều hành các cơ chế của ESCAP, trong đó có Hội đồng điều hành SIAP, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và căn cứ vào khả năng đáp ứng các điều kiện để ứng cử vào Hội đồng điều hành SIAP, tháng 4 năm 2022, Tổng cục Thống kê đã đăng ký tham gia ứng cử vào Hội đồng điều hành SIAP nhiệm kỳ 2022-2025 và phối hợp với Bộ Ngoại giao để triển khai các thủ tục ứng cử.
Tại bản trình bày ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng điều hành SIAP, Tổng cục Thống kê nêu rõ mục tiêu ứng cử vào Hội đồng điều hành SIAP là để Việt Nam có cơ hội trực tiếp đóng góp ý kiến về Chiến lược, Kế hoạch phát triển của các cơ quan thống kê thành viên thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội đồng hành cùng SIAP xem xét, thông qua kế hoạch làm việc hàng năm và dài hạn về các vấn đề đào tạo nghiệp vụ thống kê; phổ biến thông tin thống kê của các quốc gia thành viên; kết nối, chia sẻ, hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển trong việc thu thập, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê.
Việt Nam đồng thời được đóng góp ý kiến và có thể tham gia vào quá trình cải tiến phương pháp chế độ thống kê trong thu thập và biên soạn các chỉ tiêu thống kê mới nổi của nền kinh tế như phát triển bền vững, logistics, kinh tế số, kinh tế chia sẻ...; có ý kiến về những phản ứng về các đối sách đối với hoạt động thống kê của khu vực trong bối cảnh cục diện quốc tế đang thay đổi.
Tổng cục Thống kê Việt Nam nêu rõ Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của SIAP trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực thống kê cho các quốc gia thành viên và các thành viên liên kết trong khu vực thông qua các khóa đào tạo.
Tổng cục Thống kê cũng bày tỏ tin tưởng SIAP với sứ mệnh là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về thống kê trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng những người làm thống kê toàn cầu, cũng như góp phần giúp các quốc gia thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP diễn ra ở Băng-cốc, Thái Lan, trong ngày 24/5/2022, ESCAP đã tổ chức bỏ phiếu kín trực tiếp trên cơ sở danh sách ứng cử từ các quốc gia để bầu các thành viên cho nhiệm kỳ mới. Sau kết quả bỏ phiếu, Tổng cục Thống kê Việt Nam đã được các nước thành viên ESCAP tín nhiệm bầu vào Hội đồng điều hành của Viện thống kê châu Á-Thái Bình Dương.
Theo quy định, Tổng cục Thống kê Việt Nam sẽ cùng đại diện của nước chủ nhà Nhật Bản và 7 thành viên khác của Hội đồng điều hành SIAP sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần để đánh giá tình hình quản trị, tài chính và thực hiện chương trình công tác hàng năm và dài hạn của SIAP.
Sự kiện Tổng cục Thống kê Việt Nam trúng cử vào SIAP cho thấy các nước thành viên ESCAP đánh giá cao khả năng đóng góp của Việt Nam, cũng như coi trọng vai trò và vị thế của Thống kê Việt Nam tại ESCAP.
Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường hợp tác, thể hiện cam kết mạnh mẽ với khu vực trong lĩnh vực thống kê, qua đó góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và ngành Thống kê Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế, đúng với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.