Về pháp lý, đây là số liệu của cơ quan thống kê quốc gia và là cấu phần tạo nên kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước năm 2021 là 336,25 tỷ USD.
Về nội hàm, nó bao gồm kim ngạch xuất khẩu của 9 sản phẩm chính thuộc ba lĩnh vực lớn của nông nghiệp là trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Đó là: thủy sản, rau quả, nhân điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm sắn, cao su. Tất cả các sản phẩm này chỉ là 27,997 tỷ USD.
Ngoài ra có một số mặt hàng nhỏ lẻ được xuất khẩu nhưng kim ngạch nhỏ, siêu nhỏ góp với nhiều mặt hàng công nghệ, khoáng sản khác cũng nhỏ lẻ được cơ quan thống kê gộp lại trong nhóm “các mặt hàng khác” có kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 14,697 tỷ USD.
Như vậy, nếu cộng thêm con số của nhóm “các mặt hàng khác” vào con số 27,997 tỷ USD thì cũng chưa tới 48,6 tỷ USD.
Tính cả xuất khẩu mặt hàng gỗ thì chưa chuẩn. Đó là sản phẩm cơ bản mang tính chất công nghiệp, được thống kê trong nhóm “Công nghiệp chế biến”, góp phần đưa nhóm này chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, minh chứng cho thành tựu “Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, bởi nhóm hàng công nghiệp tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu”.
Với mặt hàng gỗ, “hàm lượng” nông nghiệp chỉ “dính dáng” khi là gỗ nguyên liệu tự nhiên, nhưng Việt Nam hiện đã phải đóng cửa rừng, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm gỗ hầu như phải nhập khẩu. Hơn nữa, trong kim ngạch xuất khẩu gỗ thì gần một nửa là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Có thể gộp vào kết quả chung nhưng phải minh bạch đó là thành tích của người ngoài.
Từ kim ngạch xuất khẩu như trên, ngành nông nghiệp thường đưa ra con số xuất siêu khá ấn tượng. Một nước có nền văn minh lúa nước, rừng vàng, biển bạc, việc nông nghiệp xuất siêu lớn là đương nhiên. Song ở Việt Nam, từ sản xuất đến xuất khẩu nhóm hàng này chưa mấy khi “xuôi chèo mát mái”. Nguyên nhân do thiên tai, dịch họa, nhưng tại mình cũng có, là hệ quả của chuỗi mù mờ.
Đó là, nông dân mù mờ về nhu cầu thị trường, tiêu thụ, sản lượng, quy chuẩn chất lượng, dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền miệng. Nhà kinh doanh mù mờ về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp mù mờ về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Chẳng những thế, Việt Nam đã từng và còn phải nhập khẩu nhiều nông phẩm. Năm 2021, 10 mặt hàng thuộc nhóm “hàng cần nhập khẩu” là: thủy sản nguyên liệu; hạt điều thô; lúa mỳ; ngô; đậu tương; sữa và sản phẩm từ sữa; dầu mỡ thực vật; thức ăn gia súc và nguyên liệu; nguyên phụ liệu thuốc lá; cao su các loại và sản phẩm cao su. Tổng số tiền chi ra để nhập khẩu các mặt hàng này đã lên tới 22,275 tỷ USD.
Cụ thể như mặt hàng cao su, trong năm 2021 xuất khẩu được 3,313 tỷ USD, nhưng phải chi tới 4,019 tỷ USD để nhập khẩu cao su các loại và sản phẩm cao su.
Tương tự như phần thống kê xuất khẩu, ta cũng nhập khẩu khá nhiều các mặt hàng nhỏ lẻ như thịt và phụ phẩm gia súc, gia cầm từ châu Â, Mỹ, Úc, Nhật Bản, đường kính từ Thái Lan. Cuối năm 2021, rộ lên nhập khẩu một số nông phẩm từ Campuchia cùng với nhiều mặt hàng công nghệ, khoáng sản lắt nhắt khác gộp vào nhóm “các mặt hàng khác”, năm 2021 nhập khẩu 16,848 tỷ USD.
Với lối canh tác hiện thời “dùng chất vô cơ cho rảnh tay”, hàng năm và riêng năm 2021 nhập khẩu phân bón hóa học, thuốc trừ sâu tới 2,386 tỷ USD. Chưa kể hàng năm phải nhập khẩu máy móc, phụ tùng, xăng dầu… tới hàng tỷ USD, trong đó phần phục vụ cho nông nghiệp không ít.
Như vậy, lấy kết quả xuất khẩu trừ đi các khoản phải nhập khẩu nêu trên thì thặng dư thực sự từ nông, lâm, ngư nghiệp là rất ít. Chỉ cần vụ ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn cuối năm 2021 đã xóa sổ nhiều nỗ lực.
Hơn nữa, theo các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải ưu đãi thuế nhập khẩu cho các đối tác. Thừa cơ này, nông phẩm từ các nước với phẩm chất tốt, mẫu mã đẹp, giá phải chăng, người tiêu dùng Việt đã bén duyên… sẽ tràn vào Việt Nam, thách thức nông phẩm nội.
Mở cửa, hội nhập nông nghiệp sẽ là ngành chịu nhiều tổn thương, sản phẩm chăn nuôi sẽ hứng trước. Nếu nông nghiệp không bứt phá mạnh mẽ, cán cân thương mại có thể sẽ ngả ra bên ngoài.