"Khi thế giới bắt đầu hồi phục từ đại dịch Covid - 19, tương lai của Việt Nam càng tươi sáng hơn và vốn FDI vào Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ.", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam, khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với VnEconomy.
Ông đánh giá như thế nào về nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021?
Trong khi Việt Nam đã sở hữu một thương hiệu quốc tế rất tốt nếu xét từ góc độ là điểm đến của FDI, thì cách thức Việt Nam kiểm soát Covid-19 đã giúp nâng cao hơn nữa thương hiệu của đất nước. Vì vậy, bất chấp những thách thức về y tế và kinh tế, Việt Nam vẫn thu hút được 28,53 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tương đương khoảng 75% tổng vốn FDI năm 2019, khi Việt Nam ở trong điều kiện hoạt động tốt hơn và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Xét về dòng vốn FDI, cường độ thương mại của FDI cũng tăng lần đầu tiên trong 10 năm, nhờ vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5% so với năm 2019.
Khi thế giới bắt đầu hồi phục từ đại dịch, tương lai của Việt Nam càng tươi sáng hơn. Chúng tôi dự đoán vốn FDI vào Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp Việt Nam quay trở lại quỹ đạo kinh tế với mức tăng trưởng GDP hàng năm vào khoảng 6,6%.
Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, thu hút FDI đã đạt trên 5 tỷ USD. Vì vậy, chúng tôi hy vọng vốn FDI hàng năm sẽ trở lại ở mức trên 30 tỷ USD nhờ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với chính trị ổn định, chính sách rõ ràng và nhất quán. Đồng thời, đồng tiền ổn định, dự trữ ngoại tệ mạnh, 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), tình hình lạm phát được kiểm soát và trên hết là lực lượng lao động trẻ, chăm chỉ và có tinh thần kinh doanh.
Ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn có những tác động nhất định. Theo quan sát của ông, đại dịch có tác động như thế nào tới hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam?
Tôi chắc rằng không doanh nghiệp nào sẵn sàng để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Một số ngành bị ảnh hưởng nhiều hơn những ngành khác, nhưng tất cả các công ty đều phải xem xét lại kế hoạch kinh doanh nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới. Lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch và khách sạn, do những hạn chế nghiêm ngặt với du khách và nhu cầu giãn cách xã hội.
Lúc đầu Việt Nam cũng chịu một cú sốc từ chuỗi cung ứng do linh kiện từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc... bị gián đoạn, nhưng khi Covid-19 lan rộng, đã chuyển sang cú sốc về nhu cầu khi người tiêu dùng bắt đầu giảm chi tiêu.Thời điểm nghiêm trọng nhất là vào tháng 4/2020 khi xuất khẩu từ Việt Nam giảm 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông, thị trường Việt Nam mang lại những tiềm năng gì cho các doanh nghiệp FDI đặc biệt từ các FTA vừa được ký kết?
Hội nhập toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam và là một phần không thể thiếu trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Với chiến lược này, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt 543,9 tỷ USD vào năm 2020, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với thặng dư thương mại là 19,1 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay.
Một trong những điều đáng chú ý là năm qua, Việt Nam đã rất tích cực để hội nhập quốc tế với 3 FTA đã được ký kết: Hiệp định Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA), Hiệp định EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam đã tăng cường hội nhập kinh tế thông qua việc gia nhập WTO và 14 hiệp định thương mại đa phương và song phương đang có hiệu lực.
Sự kết nối thương mại quốc tế này đã và đang là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Các FTA sẽ hạ thấp các rào cản thương mại, tạo nhiều cơ hội hơn cho các công ty nước ngoài đến Việt Nam cũng như mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty Việt Nam trong thương mại và giao dịch quốc tế.
Theo ông, các doanh nghiệp nước ngoài còn phải đối mặt với những thách thức gì khi hoạt động tại thị trường Việt Nam?
Các công ty nước ngoài có những thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ cũng phải đối mặt nhiều thách thức cần phải vượt qua để thực sự nắm bắt được cơ hội. Đầu tiên là nguồn nhân lực. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, siêng năng và nhiệt huyết nhưng người lao động còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.
Thống kê cho thấy, quý II/2020, một phần ba lực lượng lao động được xếp loại lao động phổ thông. Nhiều người trong số đó chưa thể thích ứng hiệu quả với sự thay đổi liên tục của thị trường, đặc biệt là trước tác động của công nghiệp 4.0. Một vấn đề khác đến từ chuỗi cung ứng địa phương của các công ty đa quốc gia.
Nhiều công ty địa phương vẫn đang phải đối diện với những gì thực sự có ý nghĩa đối với họ và làm cách nào để thích nghi với thực tế mới này.
Vấn đề cuối cùng không kém phần quan trọng, đó là mặc dù đã có nhiều cải tiến trong những năm gần đây, các thủ tục và quy định hành chính đối với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn phức tạp và nhiêu khê.
Ông đánh giá như thế nào về các chính sách hiện nay của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI?
Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường đầu tư được cải thiện nhanh nhất và điều này được thể hiện qua việc các công ty quốc tế dành sự quan tâm mạnh mẽ đối với đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TƯ năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bản thân HSBC Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ và khuyến khích đầu tư từ các nhà đầu tư tiềm năng và tổ chức các hoạt động thu hút FDI khác. Đó là những tín hiệu tích cực cho các công ty quốc tế có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Những chính sách ưu đãi đó không chỉ có thể giúp thu hút dòng vốn FDI vào trong nước mà còn có thể cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
Từ các cuộc trao đổi của tôi với các cơ quan chức năng, tôi nhận thấy Chính phủ thực sự sẵn sàng và mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn và sẵn sàng học hỏi bài học kinh nghiệm từ các thị trường khác, về những thành công cũng như những gì chưa thật sự tốt. Sự sẵn sàng học hỏi và thích ứng để đảm bảo rằng Việt Nam luôn thu hút các nhà đầu tư là rất quan trọng. Điều này cùng với các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn.
Trong thời gian tới, đâu là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, theo ông?
Lúc đầu, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực dệt may và da giày, chủ yếu là vì chi phí sản xuất. Điều này đã có tác động rất tích cực đến Việt Nam, song Chính phủ cũng đang nỗ lực đưa Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị, do đó đã đặt mục tiêu hướng tới FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghệ.
Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đạt kỷ lục 96 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam cũng nổi lên như một nhà cung cấp chip xử lý. Trong khi Trung Quốc sản xuất 70% máy tính trên toàn cầu, sản lượng máy tính thành phẩm ngày càng tăng của Việt Nam đã làm gia tăng nhu cầu chip.
Gần đây, cùng với sự thành công của Samsung và Intel tại Việt Nam, một số "ông lớn" công nghệ như Google và LG cũng đang chuyển hướng chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam. Với việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, các chính sách ưu đãi dành cho FDI và nhu cầu cao đối với các sản phẩm công nghệ trong trạng thái bình thường mới trên toàn cầu, Việt Nam, với tư cách là cơ sở sản xuất mới của những gã khổng lồ công nghệ, sẽ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với các nhà đầu tư.