Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình về việc trì hoãn luật thoái vốn và cấm TikTok. Theo đó, TikTok sẽ có thêm 75 ngày để tìm kiếm đối tác ngoài Trung Quốc mua lại cổ phần.
"Với TikTok, tôi có quyền bán hoặc đóng cửa nó, và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định đó", ông Trump nói. "Đó là một thỏa thuận tốt và Trung Quốc nếu không chấp thuận, thì tôi nghĩ cuối cùng họ vẫn sẽ chấp thuận vì chúng tôi sẽ áp thuế đối với Trung Quốc".
Nếu Trung Quốc không đồng ý ông Trump cho rằng đó sẽ là "một sự thù địch nhất định, và chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế 25, 30, 40, 50 phần trăm, thậm chí là 100 phần trăm", ông Trump thẳng thắn tuyên bố.
Trước khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã viết trên nền tảng Truth Social rằng ông sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp gia hạn thời gian lệnh cấm TikTok.
Ông Trump đã hé lộ "suy nghĩ ban đầu" về việc Mỹ có thể sở hữu 50% cổ phần của TikTok thông qua một "liên doanh" giữa các chủ sở hữu hiện tại hoặc các chủ sở hữu mới.
"Bằng cách này, chúng tôi cứu TikTok, giữ ứng dụng trong tay và cho phép ứng dụng ở lại", ông viết.
Trước đó, ông Trump đã úp mở khả năng gia hạn thêm 90 ngày để công ty mẹ của TikTok, có trụ sở tại Trung Quốc, bán nền tảng này cho một bên mua không phải thực thể Trung Quốc sau khi ông nhậm chức.
"Tôi nghĩ đây chắc chắn là một lựa chọn đáng cân nhắc", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC. "Việc gia hạn 90 ngày là điều rất có thể sẽ được thực hiện, vì nó hợp lý. Bạn biết đấy, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng. Đây là một vấn đề rất quan trọng".
Ít nhất hai nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm nhóm tỷ phú Frank McCourt và Kevin O'Leary của "Shark Tank" và công ty PerplexityAI đã gửi giá thầu chính thức cho ứng dụng, Nhiều nhà đầu tư khác cũng đã thể hiện sự quan tâm đến TikTok.
Trong khi đó, Bloomberg và Wall Street Journal đưa tin vào tuần trước rằng Trung Quốc đang cân nhắc việc bán lại ứng dụng cho tỷ phú Elon Musk.
Ngày 18/1, TikTok đã tạm thời bị gỡ xuống ở Hoa Kỳ, chỉ vài giờ trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực. Khi người dùng mở ứng dụng, họ nhận được thông báo: "Xin lỗi, TikTok hiện không khả dụng". Khoảng một ngày sau đó, TikTok đã khôi phục lại quyền truy cập cho người dùng Mỹ.
TikTok đã góp một phần công sức vào “chiến thắng” của Tổng thống Donald Trump
Sự trở lại của ứng dụng đã được nhiều người trong số 170 triệu người dùng TikTok Mỹ hoan nghênh. TikTok đã cảm ơn ông Trump vì khôi phục ứng dụng: "Nhờ những nỗ lực của Tổng thống Trump, TikTok đã trở lại Hoa Kỳ!"
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng nói rằng ông tin TikTok đã đóng một vai trò trong chiến thắng bầu cử của ông bằng cách thu hút các cử tri trẻ.
Thế nhưng, thực tế là, TikTok không nhất định phải dừng hoạt động tại Mỹ vào chủ nhật. Bởi tờ CNN từng đưa tin chính quyền ông Joe Biden đã đề xuất sẽ để ông Trump thực thi luật sau khi ông nhậm chức.
Việc đóng cửa ứng dụng ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, và sau đó, chính ông là người khôi phục ứng dụng, được các nhà quan sát đánh giá đây là một nước đi chính trị để đưa hình ảnh của ông Trump trở nên thân thiện hơn với giới trẻ Mỹ, mặc dù ông là người đầu tiên cố gắng cấm ứng dụng.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2020, ông Trump đã từng cấm hoạt động của ByteDance (công ty mẹ của TikTok) trong vòng 45 ngày, viện dẫn những lo ngại ngày càng tăng về an ninh quốc gia và chính sách kiểm duyệt của nền tảng. "Những rủi ro này là hoàn toàn có thật", ông Trump khẳng định vào thời điểm đó, trong một quyết định khiến TikTok bất ngờ và hoang mang.
Thế nên nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu TikTok tự đóng cửa nhằm bảo vệ các đối tác công nghệ của mình hay là để Tổng thống Trump giống như vị cứu tinh của ứng dụng?