Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/6 cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đạt tổng cộng 45 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp “các biện pháp trừng phạt với động lực chính trị”.
Nga cùng với 4 quốc gia là thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (gọi tắt là BRICS), chiếm hơn 40% dân số và gần 25% GDP toàn cầu.
“Moscow đang trong quá trình chuyển hướng xuất khẩu thương mại sang các quốc gia BRICS do những biện pháp trừng phạt của phương Tây”, ông Putin phát biểu trong video được phát trực tiếp tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh kinh doanh BRICS ngày 22/6.
Trong bài phát biểu, ông Putin chỉ trích “việc thực thi vĩnh viễn các biện pháp trừng phạt với động cơ chính trị đi ngược với nhận thức chung và logic cơ bản về kinh tế”.
“Các doanh nhân của chúng ta (các nước BRICS) buộc phải phát triển doanh nghiệp của mình trong điều kiện khó khăn khi các đối tác phương Tây bỏ qua những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, thương mại tự do, cũng như quyền bất khả xâm phạm về tài sản tư nhân”, Tổng thống Nga nhấn mạnh trong bài phát biểu.
Ông kêu gọi các nước BRICS tăng cường hợp tác và cho biết Moscow đang thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện của ô tô Trung Quốc trên thị trường Nga cũng như việc mở cửa một số chuỗi siêu thị của Ấn Độ tại nước này.
“Lượng cung cấp dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng lên. Hợp tác nông nghiệp cũng đang phát triển mạnh mẽ khi Nga đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các nước BRICS”, ông Putin cho biết. “Nga cũng đang phát triển các cơ chế chuyển tiền quốc tế thay thế với các đối tác BRICS và một loạt tiền tệ dự trữ quốc tế nhằm giảm sự phục thuộc vào đồng USD và Euro”.
Ba quốc gia thành viên BRICS gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đều bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine hôm 24/2, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã tranh thủ gom dầu giá rẻ từ Moscow. Điều này ngược lại với động thái giảm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga của các nước phương Tây, nhằm cắt đứt nguồn tài chính cho quân đội Nga và gây áp lực để chính quyền Tổng thống Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh.
Nguồn tin của Bloomberg hồi tháng 5 cho biết Ấn Độ đã mua được dầu của Nga với giá chỉ khoảng 70 USD/thùng, tức rẻ hơn 35% so với giá thị trường thời điểm đó. Kể từ hôm 24/2, Ấn Độ đã mua hơn 40 triệu thùng dầu từ Nga – cao hơn lượng dầu nhập khẩu trong cả năm 2021 của nước này.
Trong khi đó, tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 2,02 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, tăng hơn 30% so với tháng 4 và 55% so với tháng 5/2021. Theo đó, Nga đã vượt qua Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc.
Điều này giúp Nga bù đắp cho lượng dầu xuất khẩu sụt giảm sang châu Âu khi mà Liên minh châu Âu (EU) đã đi đến thống nhất áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với một phần dầu mỏ của Nga và đang tìm kiếm các nguồn thay thế cho khí đốt Nga.
Theo ông Alexander Dyukov, CEO hãng dầu lửa Gazprom của Nga, vào đầu năm nay, Moscow xuất khẩu gần 2/3 lượng dầu thô của mình sang châu Âu. Tuy nhiên, giờ đây, nước này đang xuất khẩu khoảng 50% sang châu Á.
Vào đầu tháng 3, Anh và Mỹ tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga, dù Moscow chỉ chiếm lần lượt 8% và 3% lượng dầu tiêu thụ tại hai quốc gia này. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, trong tháng 5, các thùng đầu xuất tới New York và New Jersey (Mỹ) đã được trộn lẫn một phần dầu mỏ Nga. Những thùng dầu này được cho là xuất ngược sang Mỹ từ Ấn Độ, nơi dầu được tinh chế và pha trộn để che đậy nguồn gốc.