Với sự hỗ trợ và đồng hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, Qualcomm Vietnam Innovation Challenge (QVIC) 2022 do Qualcomm tổ chức, có mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bằng cách xác định và nuôi dưỡng các công ty công nghệ tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện,... Đây là những lĩnh vực rất phù hợp với sự phát triển của Việt Nam và theo sát định hướng của Chính phủ.
Theo đó, 3 công ty chiến thắng vòng chung kết Qualcomm Vietnam Innovation Challenge (QVIC 2022) gồm có MiSmart (giải nhất); VPTech (giải nhì) và GraphicsMiner (giải ba). Ngoài ra, 7 công ty khác trong danh sách Top 10 đã nỗ lực cạnh tranh trong chương trình QVIC, vượt qua thử thách bản thân trong việc phát triển công nghệ mới, cung cấp sản phẩm cho chương trình.
Theo Ban Tổ chức, 3 công ty đoạt giải nhất, nhì, ba sẽ nhận về khoản tiền thưởng trị giá lần lượt là 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD cùng những hỗ trợ khác từ mạng lưới Qualcomm toàn cầu. Ngoài ra, Qualcomm không yêu cầu sở hữu cổ phần hoặc tài sản trí tuệ nào để đổi lấy các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ.
Những công ty bước vào vòng chung kết QVIC 2022 đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Qualcomm thông qua chương trình ươm tạo về kỹ thuật và kinh doanh, khuyến khích nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế, tăng cơ hội kết nối trong ngành, tham khảo ý kiến cố vấn từ các chuyên gia, hỗ trợ chi phí, phát triển kỹ năng kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, lập ngân sách, kỹ năng gọi vốn...
Các công ty cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến đổi mới sáng tạo bao gồm quyền truy cập vào phòng thí nghiệm của Qualcomm tại Hà Nội và tư vấn về phát triển sản phẩm trong suốt thời gian ươm tạo. Đồng thời, các công ty khởi nghiệp cũng nhận được khoản tài trợ lên tới 10.000 USD để hỗ trợ phát triển sản phẩm và khoản chi phí hoàn trả lên tới 5.000 USD nếu công ty nộp tối đa hai bằng sáng chế.
Bà An Chen, Phó chủ tịch Kỹ thuật - Tập đoàn Qualcomm cho biết, suốt hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho thế giới thấy sự cần thiết của việc kết nối thông qua nền tảng công nghệ. Mỗi công ty khởi nghiệp này đều gây ấn tượng với Ban Tổ chức với tinh thần đổi mới sáng tạo và sự nhạy bén trong kinh doanh. Đặc biệt, tính khả thi và khả năng hoàn thiện sản phẩm để thương mại và ứng dụng giải pháp trong nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh…
MiSmart cung cấp các giải pháp máy bay nông nghiệp không người lái cùng với công cụ phân tích AI để giám sát và tăng hiệu suất cho các cánh đồng và vườn cây ăn trái…
VPTech’s RAY là dự án cung cấp thiết bị DAC/AMPLIFIER di động thuộc dòng sản phẩm cao cấp đầu tiên “sản xuất tại Việt Nam” với chip và hệ thống analog được thiết kế nội bộ, nhằm cung cấp chất lượng âm thanh tốt cho các ứng dụng công nghệ cao khác nhau.
GraphicsMiner tạo ra bộ đồ chơi rô bốt bằng giấy bìa cứng đi cùng với nền tảng tương tác thực tế ảo (AR) dành cho trẻ em trên khắp thế giới vừa chơi và học tập. Giải pháp có giá thành rẻ, thông minh và thân thiện với môi trường, giúp học sinh tiếp cận số hóa, sáng tạo nhân vật và giải trí.