Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa gửi Sở Xây dựng thành phố về chuẩn bị nội dung báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
ĐÃ XỬ LÝ 90% ĐƠN THƯ THUỘC THẨM QUYỀN
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM có mật độ dân cư cao, đất đai có nguồn gốc đa dạng, phức tạp và luôn biến động, do đó, khối lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai rất lớn, phức tạp và kéo dài.
Qua thống kê, số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm khoảng 75% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Các vụ việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, toàn TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 65.200 đơn; không thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 20.100 đơn.
Về kết quả giải quyết đơn thư, toàn TP.HCM đã xử lý khoảng 65.200 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Trong đó, đã giải quyết khoảng 58.700 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, đạt hơn 90%.
Về công tác tiếp dân liên quan đến đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, TP.HCM đã thực hiện hơn 147.000 lượt tiếp công dân. Trong đó, tiếp thường xuyên hơn 128.000 lượt, lãnh đạo tiếp hơn 19.000 lượt.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết hàng năm, các cơ quan thuộc UBND thành phố như: Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và UBND cấp huyện đều phối hợp rà soát, ban hành và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, UBND TP.HCM có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các Đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn thành phố đã thực hiện hơn 700 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra TP.HCM đã tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai; thanh tra của các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiến hành 104 cuộc; thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiến hành 51 cuộc thanh tra và gần 500 cuộc kiểm tra chuyên ngành về quản lý sử dụng đất.
Bên cạnh đó, thanh tra Chính phủ, kiểm toán Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hàng năm đều ban hành các kế hoạch thanh tra và thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố theo kế hoạch hoặc đột xuất.
“ĐIỂM NÓNG” XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM trải qua nhiều năm chưa giải quyết xong nghĩa vụ tài chính về đất đai, gây nhiều hệ lụy, kéo dài ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển đô thị trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và người dân liên quan chưa đảm bảo kịp thời.
Việc xác định giá đất chậm trễ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp, có nguy cơ tạo ra những điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trong quá trình lập quy hoạch, chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình của các ngành và các địa phương đã đăng ký,
Theo đó, đến hết năm 2020 còn có 562 công trình, dự án đã đăng ký có nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (có 117 dự án), lĩnh vực thương mại, dịch vụ (có 18 dự án), lĩnh vực phát triển đô thị (có 73 dự án), lĩnh vực giáo dục - đào tạo (có 29 dự án), lĩnh vực công nghiệp (có 31 dự án)...
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng tiềm năng, lợi thế của TP.HCM trong lĩnh vực đất đai chưa được khai thác hiệu quả, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt của thành phố đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm. Vì vậy, cũng đã xuất hiện tâm lý mất niềm tin từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, của người dân, làm giảm việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong đầu tư phát triển.