Tại hội nghị triển khai quyết định về ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM diễn ra chiều ngày 25/10/2022, ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ, Sở Nội vụ TP.HCM đã công bố các Quyết định số 3229 và Quyết định số 3230 (đều được ban hành ngày 23/9/2022) của UBND TP.HCM về ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM.
TĂNG TÍNH TỰ CHỦ
Theo Quyết định số 3229, UBND TP. Thủ Đức được ủy quyền trên 4 lĩnh vực: xây dựng - môi trường - đô thị; kinh tế - ngân sách - dự án; tư pháp; văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học.
Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị: UBND TP. Thủ Đức được tiến hành các thủ tục quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất, gồm: xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; thông báo thu hồi đất; quyết định thu hồi đất; quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư.
UBND TP. Thủ Đức được phê duyệt tất cả nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500 trên địa bàn; chủ động quản lý và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách - dự án: UBND TP. Thủ Đức được trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chợ loại I theo hướng dẫn của Sở Công thương TP.HCM; ban hành quyết định thành lập chợ loại II, loại III; trực tiếp thực hiện trong tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ theo chủ trương kêu gọi xã hội hóa.
Thủ Đức cũng được phép thực hiện một số nhiệm vụ đối với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích. Trong đó, được phép quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; quyết định các giải pháp phát triển thị trường, cơ cấu tổ chức quản lý công ty, phê duyệt quỹ lương…
Đối với lĩnh vực tư pháp: UBND TP. Thủ Đức được kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP. Thủ Đức; thực hiện công tác mua sắm tập trung tài sản công trên địa bàn.
Riêng lĩnh vực văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học: UBND TP. Thủ Đức có quyền kiểm tra các điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện của cơ quan báo chí trên địa bàn. Trường hợp không đủ điều kiện, địa phương này được quyền ban hành văn bản yêu cầu cơ quan báo chí chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và xử lý theo quy định pháp luật.
UBND TP. Thủ Đức cũng được chủ động đặt tên công trình công cộng khác ngoài công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trên địa bàn; chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn TP. Thủ Đức (trừ các chương trình trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương).
Thủ Đức cũng được ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, chức năng của cơ quan chủ quản đối với Trường Cao đẳng Thủ Thiêm TP.HCM và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức.
Tại Quyết định số 3230, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức được Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực đối ngoại; nội vụ; văn hóa - thông tin - xã hội - khoa học.
Việc ủy quyền có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.
PHÁT HUY TÍNH ĐỘC LẬP VỀ QUẢN LÝ, TÀI CHÍNH
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố” là bước đột phá của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Việc phân cấp, ủy quyền của TP.HCM là nguyên tắc trong quản lý hành chính Nhà nước nhằm phát huy vai trò, vị trí cho TP. Thủ Đức.
“Đây là mô hình mẫu chưa có tiền lệ nhưng lãnh đạo TP.HCM và cả hệ thống chính trị tại TP. Thủ Đức và người dân đều dốc sức để làm cho mô hình này thực sự hiệu quả chứ không chỉ là mô hình thí điểm rồi thôi”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, thời gian tới, TP. Thủ Đức cần thể chế hóa kế hoạch phân công, uỷ quyền bằng cách bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn… có bộ mẫu hóa các thủ tục có liên quan, không làm phát sinh thêm thủ tục so với trước đây để không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Đến ngày 05/11/2022, các sở ngành phải có hướng dẫn quy trình, thủ tục, cử cán bộ hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho TP. Thủ Đức.
Ông Hoan chia sẻ thêm, chính quyền TP.HCM đang nỗ lực để TP. Thủ Đức có cơ chế hoàn chỉnh hơn. Do đó, TP.HCM sẽ phê duyệt ban hành 30 đề án cho TP. Thủ Đức và đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành xong 15 đề án. Đến tháng 3/2023 phải ban hành xong 15 đề án còn lại.
Ngoài ra, TP. Thủ Đức cần tập trung xây dựng cơ chế, tổ chức hoạt động các trung tâm hạ tầng kỹ thuật, trung tâm công tác xã hội, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Về TP. Thủ Đức, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức, cho biết địa phương sẽ nỗ lực để thực hiện theo nội dung đã được ủy quyền. Trong đó, sẽ đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính cho dân; nêu cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
“Thủ Đức sẽ tiếp tục kiên trì, đeo bám để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể ban hành nghị quyết riêng về mô hình thành phố trong thành phố”, ông Hiệp nói.