Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành như: may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác với mức thu nhập bình quân được các doanh nghiệp đưa ra từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.
Theo nhận định của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, đây cũng là cơ hội tốt để người lao động tìm việc dễ dàng sau mùa dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM.
TP.HCM hiện có 127 trung tâm, doanh nghiệp giới thiệu việc làm, có chức năng hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động sau đợt giãn cách xã hội.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên, - hai đơn vị nòng cốt, đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối người lao động và người sử dụng lao động. Hai đơn vị này đã tư vấn cho hơn 63.000 lượt người và giới thiệu việc làm cho 26.543 người, trong thời điểm khôi phục sản xuất từ sau ngày 01/10. Các lĩnh vực thu hút lao động là dịch vụ thương mai, sản xuất chế tạo bao gồm: da dày, lắp ráp thiết bị điện tử…
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cho biết, những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng khoảng thời gian còn lại hoàn thành đơn hàng nên nhu cầu tuyển lao động cũng gia tăng. Theo đó, khi tuyển dụng, ngoài những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ. Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Dự báo và nhận định về thị trường lao động tại TP.HCM từ nay đến cuối năm và dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho rằng, thị trường lao động sẽ ổn định, không thiếu nhiều lao động do 96% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Số liệu thống kê sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố cũng cho biết, đến thời điểm cuối tháng 11 đã có khoảng 38.000 công nhân, người lao động đã quay trở lại Thành phố làm và tìm việc làm sau thời gian về quê trách dịch bùng phát. Trong số đó có hơn 14.700 người lao động ở khu vực miền Tây Nam Bộ, hơn 22.700 người lao động ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, gần 500 người lao động ở khu vực Tây Nguyên. Sở này đưa ra khuyến nghị trong trường hợp người lao động tìm việc tại thành phố nên liên hệ lại công ty cũ hoặc đến các trung tâm giới thiệu việc làm để được tư vấn, hỗ trợ tìm việc theo nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết thêm, trong số 96% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại có người lao động quay trở lại làm việc, có khoảng 96% doanh nghiệp trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã tái hoạt động với khoảng 230.000 công nhân; 100% doanh nghiệp ở lĩnh vực lương thực, thực phẩm cũng đã hoạt động trở lại với công suất từ 85 - 100%...
Chuyên gia về thị trường lao động Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc thường trực FALMI nhận định: "Thời điểm cuối năm cũng là dịp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất để hoàn thành các đơn hàng và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp tết nguyên đán. Xu hướng tuyển dụng, vì vậy tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hoá; logistics và dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng du lịch - nhà hàn g- khách sạn; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng…"
Thời điểm cuối năm và cận Tết cũng là “mùa việc thời vụ”, do đó cũng như mọi năm, ngoài lực lượng lao động toàn thời gian như đã nói, để bù đắp vào nguồn nhân lực bị thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát, người sử dụng lao động còn cần một số lượng khá đông lao động bán thời gian, lao động thời vụ, như bán hàng, giao hàng, phục vụ,… đáp ứng các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong dịp lễ, tết.