January 07, 2025 | 11:02 GMT+7

TP.HCM cần hơn 510.000 tỷ đồng vốn huy động để đạt tăng trưởng hai con số trong năm tới

Minh Huy -

Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 10% trong năm 2025, TP.HCM cần nguồn vốn đầu tư hơn 620.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 510.000 tỷ đồng vốn huy động. Hợp tác với các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn Thành phố sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số trong năm tới…

TP.HCM đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 10% trong năm 2025 - Ảnh minh họa do AI thực hiện.
TP.HCM đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 10% trong năm 2025 - Ảnh minh họa do AI thực hiện.

Chiều 6/1, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng thương mại gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank, MB, ACB, Sacombank và Saigonbank. Hợp tác nhằm tăng cường huy động nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của TP.HCM.

NĂM 2025 TP.HCM CẦN ÍT NHẤT 620.000 TỶ ĐỒNG VỐN ĐẦU TƯ

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh mặc dù năm 2024 gặp nhiều khó khăn và thách thức, TP.HCM vẫn đạt mức tăng trưởng GRDP ở mức 7,17%. 

"Bước sang năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng tốc phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng mà Trung ương đã đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10%", ông Mãi cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng thừa nhận với quy mô kinh tế hiện tại của Thành phố, việc đạt được mức tăng trưởng 2 con số là một thách thức lớn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, quy mô GRDP của Thành phố vào cuối năm 2024 ước đạt 1,78 triệu tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025, TP.HCM cần khoảng 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ từ ngân sách khoảng 110.000 tỷ đồng, còn lại TP.HCM phải huy động thêm hơn 510.000 tỷ đồng từ các nguồn khác.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Website Thành ủy TP.HCM.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Website Thành ủy TP.HCM.

Thống kê sơ bộ cho thấy nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn có thể đạt khoảng 370.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Thành phố cần huy động thêm khoảng 140.000 tỷ đồng từ các nguồn khác như vốn FDI, kiều hối và sự hợp tác giữa HFIC với các ngân hàng thương mại.

Ông Mãi đánh giá cao vai trò của hệ thống ngân hàng trên địa bàn và tiềm năng hợp tác giữa HFIC và 9 ngân hàng vừa ký kết. "Chúng ta không chỉ đóng góp cho nguồn vốn đầu tư năm 2025 mà còn duy trì sự hợp tác này cho giai đoạn trung hạn 2026 - 2030. Trong kế hoạch trung hạn, TP.HCM xác định mục tiêu tăng trưởng 9-10%, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến ít nhất 4,4 triệu tỷ đồng",  ông Mãi chia sẻ thêm.

Thông qua thỏa thuận hợp tác, HFIC và các ngân hàng cam kết đồng hành cùng Thành phố, cung cấp nguồn vốn ưu đãi và các giải pháp tài chính linh hoạt. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính năng động và hiện đại hàng đầu khu vực.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM kỳ vọng hợp tác không chỉ dừng lại ở các trái phiếu chính quyền địa phương, mà sẽ tiếp tục mở rộng đối với trái phiếu công trình dự án cho TP.HCM, đơn cử như dự án hoàn thành 355 km đường sắt đô thị đến năm 2035, tương ứng nguồn vốn khoảng 40 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có các dự án PPP (đối tác công tư) trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, xã hội,...

Về phía Ủy ban nhân dân Thành phố, ông Mãi khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo với Chính phủ, Quốc hội có những cơ chế phát huy hơn nữa mô hình HFIC. Do đó, qua hợp tác này, các ngân hàng có thể góp ý cho HFIC cách triển khai hiệu quả hơn, có những chính sách mạnh mẽ hơn và các ngân hàng sẽ tham gia cùng thí điểm các cơ chế chính sách, mô hình với tinh thần các bên tham gia cùng có lợi.

ĐỒNG HÀNH VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA THÀNH PHỐ

Theo ông Trương Tuấn Anh, Tổng giám đốc HFIC, đơn vị đang đứng trước những thử thách và cơ hội mới với trách nhiệm ngày càng to lớn hơn. Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã mở ra nhiều cơ hội cho Thành phố. Trong đó, trao cơ hội cho HFIC được giữ lại lợi nhuận sau thuế và là cơ chế cho phép bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố để bổ sung tăng vốn điều lệ cho HFIC.

Đồng thời, phân công HFIC là đầu mối triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất được bố trí từ vốn đầu tư công đối với các dự án thuộc các lĩnh vực gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

HFIC ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng.
HFIC ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng.

Ông Tuấn Anh cho biết nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, HFIC đã làm việc với các tổ chức tín dụng, nghiên cứu cơ chế phù hợp và thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác cùng đồng hành để thực hiện các nhiệm vụ vì mục tiêu phát triển của Thành phố. Cụ thể:

Thứ nhất, cùng tài trợ các dự án thuộc chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 98 thông qua cơ chế cho vay hợp vốn.

Thứ hai, hợp tác huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển hạ tầng của Thành phố, tham gia đầu tư trái phiếu chính quyền địa phương, giới thiệu trái phiếu của Thành phố đến các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính,…

Thứ ba, nghiên cứu và triển khai các cơ chế tài chính phù hợp, mở rộng cơ hội huy động vốn trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trên địa bàn Thành phố.

“Thỏa thuận hợp tác dựa trên cơ sở phát huy khả năng, lợi thế, và mở rộng cơ hội kết nối, phát huy tiềm lực của các bên. Mỗi một dự án, mỗi một khoản đầu tư không chỉ là con số hay kế hoạch mà còn là niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của lãnh đạo Thành phố, là góp phần vào sự thịnh vượng chung của cộng đồng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Đặng Hoài Đức, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết từ năm 2015 đến 2021, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 28.884 tỷ đồng, trong đó số vốn được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 13.949 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh, có mặt trong những top doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trọng yếu của TP.HCM.

Hiện nay, chương trình cho vay kích cầu đầu tư của TP.HCM được tái khởi động theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố, không chỉ là bước đi kịp thời giúp doanh nghiệp đứng vững, mà còn tạo đà cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

 

Được thành lập vào năm 2010, trên cơ sở kế thừa chức năng nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM (HIFU), Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) là tổ chức tài chính công ngoài ngân sách thực hiện nhiệm vụ huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để cho vay và đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn TP.HCM; đồng thời thực hiện nhiệm vụ thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố chuyển giao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate