April 07, 2024 | 08:00 GMT+7

TP.HCM công bố Chương trình bình ổn thị trường 2024 - 2025

Mộc Minh -

Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 trên địa bàn TPHCM tăng từ 4 - 6% so năm 2023, chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết…

Tăng lượng hàng hóa bình ổn nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng.
Tăng lượng hàng hóa bình ổn nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết Thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 - Tết Ất Tỵ 2025. Thời gian thực hiện chương trình từ ngày 1/4/2024 đến hết ngày 31/3/2025.

TĂNG LƯỢNG HÀNG BÌNH ỔN

Theo đó, chương trình duy trì mục tiêu chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 trên địa bàn TP.HCM thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023) tham gia. Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng như: Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa; Vinamilk, Nutifood, Vissan…

Theo đăng ký từ các doanh nghiệp, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4 - 6% so năm 2023; chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.

So với năm 2023, chương trình mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như: muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser...) vào nhóm các mặt hàng phục vụ học tập; bổ sung nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy…

Đáng chú ý, năm nay, một số đơn vị lần đầu tham gia chương trình đều là các doanh nghiệp có quy mô và thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết tới như: Tập đoàn Lộc Trời (mặt hàng gạo), Tổng công ty May 28 (đồng phục học sinh, nước uống), Sapuwa (nước uống), ION LIFE (nước uống), Family Mart (phân phối), Hòa Phát (nước tẩy rửa), Điện Máy Xanh (dụng cụ điện tử phục vụ học tập)…

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, điểm mới khác biệt của chương trình năm nay là bổ sung hình thức hỗ trợ các đơn vị thực hiện chương trình như: giá thuê mặt bằng, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng bình ổn thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu… qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các khâu từ sản xuất, lưu thông đến phân phối hàng hóa. Cùng với đó bổ sung nhiều quyền lợi của doanh nghiệp tham gia như hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tôn vinh thương hiệu sản phẩm.

Trong năm 2023 và đầu năm 2024, thương mại - dịch vụ là một trong những động lực quan trọng góp phần vào sự hồi phục và phát triển của kinh tế TP.HCM. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng tích cực với sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn.

Theo Sở Công Thương, trong quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực, ước đạt 270.264 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

Trước đó, 6 hệ thống phân phối lớn của TP.HCM gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retai, Bách Hóa Xanh đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa vào ngày 08 tháng 3 năm 2024, với mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng hàng hóa phân phối, giúp bảo vệ sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng.

Đây được coi là tín hiệu thị trường cơ bản nhất, tối thiểu nhất mà người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối để gởi đến nhà sản xuất, đây cũng là lần đầu tiên các nhà bán lẻ cùng thống nhất mục tiêu, cùng hợp tác, cùng phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất an toàn, trách nhiệm, minh bạch; là cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Theo đó, trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực; 06 hệ thống phân phối thống nhất xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng đưa ra các hành động quan trọng để phát hiện và ngăn chặn sản phẩm không an toàn, cùng kiên quyết nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng.

Có 3 nhóm mặt hàng thí điểm: trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng và dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt gia súc, gia cầm (heo, gà).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate