Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Tp.HCM mua sắm các mặt hàng thiết yếu, Sở Công Thương Tp.HCM công bố danh sách 2.833 điểm bán của tất cả các hệ thống phân phối hiện đại ở các quận, huyện và Tp.Thủ Đức…
Theo đại diện Sở Công thương Tp.HCM, với việc cung cấp thông tin cụ thể về địa điểm, thời gian hoạt động, thông tin liên lạc, hình thức giao hàng, cập nhật tình trạng đang hoạt động hay tạm dừng của điểm bán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm trong giai đoạn hiện nay. Danh sách này sẽ được phổ biến xuống từng quận, huyện, phường xã để người dân có thể tiếp cận và phục vụ nhu cầu mua sắm.
Theo đơn vị này, danh sách có nhiều điểm bán hàng bình ổn với giá ổn định, niêm yết rõ ràng. Đặc biệt, số lượng các cửa hàng tiện lợi hiện khá nhiều và phân bố rộng khắp, do đó người dân có thể yên tâm chọn mua các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay…
Danh sách này bao gồm tên siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổng hợp, cửa hàng tiện lợi,... thuộc các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Satra Foods, siêu thị Satra, siêu thị MM Mega Market, Big C, Go!, LOTTE Mart, Aeon, Bách Hoá Xanh, Aeon, Vinmart, Binmart+, Emart, Circle K, Cửa hàng B's mart, MiniStop, Family Mart,... Tất cả các điểm bán đều ghi rõ địa chỉ, thông tin liên hệ, số điện thoại liên hệ, thời gian mở cửa, hình thức giao hàng trực tuyến... để người dân có thể tìm kiếm, liên hệ mua hàng tại điểm bán phù hợp nhất.
Danh sách 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu của hệ thống phân phối trên địa bàn Tp.HC cập nhật đến 7/7 gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi.
Theo đó, quận 1 có 135 điểm, quận 3 có 74 điểm, quận 4 có 58 điểm, quận 5 có 69 điểm, quận 6 có 74 điểm, quận 7 có 168 điểm, quận 8 có 112 điểm, quận 10 có 86 điểm, quận 11 có 52 điểm, quận 12 có 165 điểm, quận Tân Bình có 194 điểm, quận Bình Thạnh có 224 điểm, quận Gò Vấp có 183 điểm, quận Phú Nhuận có 78 điểm, quận Tân Bình có 177 điểm, quận Tân Phú có 149 điểm, huyện Bình Chánh 114 điểm, huyện Cần Giờ 10 điểm, Củ Chi 75 điểm, Hóc Môn 88 điểm, Nhà Bè 60 điểm và TP Thủ Đức 488 điểm.
Đáng chú ý, trong danh sách này có quận 3, quận 7, quận Bình Tân, quận Tân Phú không còn chợ nào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở địa phương này vẫn mở cửa. Quận 4 cũng không có siêu thị nào còn hoạt động, tuy nhiên 57 chợ và cửa hàng tiện lợi vẫn đang kinh doanh bình thường. Tp.Thủ Đức có 23 chợ đang hoạt động. Huyện huyện Củ Chi có số chợ đang hoạt động nhiều nhất, với 16 chợ. Huyện xa trung tâm Tp.HCM nhất là Cần Giờ có 10 chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi còn hoạt động…
Người dân có thể trực tiếp đến mua hàng hoá thiết yếu hoặc đặt hàng qua các hình thức trực tuyến. Trong trường hợp việc mua sắm gặp trục trặc, có thể liên lạc với người đứng đầu siêu thị, cửa hàng theo số điện thoại công bố để được hướng dẫn xử lý.
Về tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại một số siêu thị, đặc biệt là sản phẩm tươi sống như thịt, rau vào khung giờ chiều tối, các doanh nghiệp cho hay, việc thiếu hụt này mang tính cục bộ, xảy ra vào thời điểm lượng khách tập trung đông nên nhân viên không kịp đưa hàng lên quầy kệ, còn về cơ bản nguồn cung hiện dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Người dân không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt hàng hóa, bởi nguồn cung của các siêu thị, cửa hàng, chợ rất dồi dào. Thành phố cũng đã vận hành chương trình bình ổn giá nhiều năm qua, nên dù có biến động thì giá cả hàng hóa vẫn sẽ luôn ổn định", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM chia sẻ.