Sở Du lịch TP.HCM và UBND Quận 1 vừa phối hợp cho ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng năm 2023, tour “Quận 1 – Sắc màu đêm”. Tour nhằm đưa du khách tìm hiểu quận 1 về đêm khác biệt, cổ kính xen lẫn hiện đại với 4 nội dung trải nghiệm gồm tìm hiểu văn hóa, lịch sử; thưởng thức chương trình giải trí nghệ thuật; tham quan kết hợp mua sắm, trải nghiệm ẩm thực đêm và hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Tham gia tour, khách tham quan được cảm nhận một Quận 1 rất khác biệt về đêm. Với những nội dung trải nghiệm, như: Tìm hiểu lịch sử hơn 300 năm của TP.HCM; tham quan căn phòng – nơi ở của vị tướng tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn tại khách sạn Continental; xem show diễn “À ố show” tại Nhà hát TP.HCM; thưởng thức ẩm thực tại nhà hàng; sau đó tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành… Hiện tour mở bán với mức giá khoảng 1,6 triệu đồng, lịch trình bắt đầu từ 17h40, kết thúc lúc 22h.
Tại buổi giới thiệu về tour, Phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết tour đêm đầu tiên tổ chức tại quận 1 bởi nơi đây được ví như "trái tim của thành phố". Quận 1 là trọng điểm du lịch TP.HCM với thế mạnh về cơ sở lưu trú, ăn uống, trung tâm giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều sản phẩm để giới thiệu cho du khách. Tour mới cũng sẽ tổ chức cho du khách tham quan trụ sở UBND vào thứ 7, chủ nhật tuần cuối cùng của tháng và xem biểu diễn múa rối nước vào các ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Ông Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh kinh tế ban đêm được xác định là một trong những trụ cột phát triển du lịch của một số địa phương có lợi thế về mặt địa lý cũng như môi trường tự nhiên như TP.HCM. Theo thống kê, tổng lượt khách quốc tế đến thành phố chỉ vừa phục hồi lại khoảng 65%, nhưng tổng doanh thu về du lịch đã vượt 25% so với năm 2019. Trong đó, đóng góp doanh thu từ dịch vụ của kinh tế ban đêm là rất lớn.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong kế hoạch phát triển "mỗi quận, huyện có một sản phẩm đặc trưng" ngành du lịch thành phố cũng đề ra mục tiêu tiếp nối đó là mỗi quận, huyện có thêm một sản phẩm du lịch đêm để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Từ đây, chúng ta cũng thấy rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương là rất quan trọng. "Phát triển kinh tế nhanh thì cũng phải chú trọng đến yếu tố bền vững, du lịch phát triển thì cũng phải cần xanh và sạch thì mới giữ chân du khách ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn", ông Hòa chia sẻ.
Theo bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, địa phương đã chủ động rà soát hệ thống các tài nguyên du lịch gắn với giá trị văn hóa - lịch sử nổi tiếng để có phương án kết nối, xây dựng tour tuyến du lịch. Các chương trình sẽ thiết kế với thời gian tham quan, điểm đến được chọn lọc, cập nhật phù hợp với các thời điểm thực tế của thành phố. “Sản phẩm du lịch có được du khách biết đến và đón nhận hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng điểm đến, chất lượng của các dịch vụ kèm theo và sự truyền thông của chính du khách khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch này,” bà Hoa nói.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour, chia sẻ công ty sẽ đưa các chương trình này vào chuỗi sản phẩm du lịch khởi hành định kỳ. Các chương trình sẽ thiết kế với thời gian tham quan, điểm đến được chọn lọc, cập nhật phù hợp với các thời điểm thực tế của thành phố. "Chúng tôi kỳ vọng chương trình không chỉ thu hút du khách địa phương mà sẽ trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố, tạo dấu ấn độc đáo với du khách ở các tỉnh, thành khác trong và ngoài nước", ông Dũng nói.
Trước đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đã báo cáo UBND TPHCM về tình hình triển khai “Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn quận 7. Theo đó, dự kiến tổ chức hoạt động kinh tế ban đêm được thực hiện tại 3 khu vực: phố đi bộ Hồ Bán Nguyệt – Cầu Ánh Sao Phú Mỹ Hưng; hoạt động ẩm thực, thương mại trên tuyến đường Tôn Dật Tiên và khu ẩm thực trên mặt Hồ Bán Nguyệt.
Theo các chuyên gia, du lịch về đêm của TP.HCM vốn rất nhiều tiềm năng bởi nơi đây hội tụ nhiều nhà hàng, quán ăn, khu ẩm thực độc đáo, cùng với đó là những tuyến phố đi bộ, phố Tây khá sầm uất như Nguyễn Huệ, Bùi Viện... Vấn đề là các doanh nghiệp nên suy nghĩ, thiết kế thêm các sản phẩm để khai thác được những tiềm năng này, ví dụ tổ chức các tour khám phá Sài Gòn đêm với vespa, với xe máy, hay xích lô. Trước đây, có một vài doanh nghiệp triển khai loại hình này nhưng sau hơn 2 năm dịch bệnh, đến nay các sản phẩm đó vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.
Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cấp cao của TP.HCM đề xuất, để phát triển kinh tế đêm của TP.HCM không nên bỏ qua lợi thế của sông Sài Gòn. Bên cạnh du lịch đêm trên sông, TP.HCM nên có các chương trình nghệ thuật, các show diễn về đêm có chất lượng và được đầu tư bài bản. Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã có rất nhiều show diễn tạo được thương hiệu và mang lại nguồn thu lớn.
“Tại TP.HCM, vở kịch xiếc “À Ố show” đã rất thành công, thu hút hàng triệu lượt khán giả, nhất là du khách nước ngoài suốt gần 10 năm qua. Thế nhưng, một vở “À Ố show” vẫn còn là quá ít, quá khiêm tốn so với tiềm năng của TP.HCM, ” ông Chí Nhân nói. “Thêm nữa, thành phố nên đầu tư xây dựng những show áo dài kết hợp biểu diễn ca-vũ-kịch có quy mô lớn, hoành tráng, bài bản và ứng dụng thêm nhạc nước, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng 3D... để làm thành một đặc sản du lịch của TP.HCM”.
Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch thu hút du khách. Hiện thành phố có gần 32.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và cơ sở quán ăn đường phố, được đánh giá là hạ tầng đa dạng, phong phú để phát triển kinh tế đêm.
Nắm bắt thế mạnh này, thành phố đã có đề án phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh, từ đó quy hoạch 22 tuyến phố, chợ đêm. Trong thời gian tới, phố ẩm thực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) cũng đang dần hình thành. Một số quận, huyện khác cũng đang xúc tiến loạt sản phẩm du lịch về đêm.