Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố tham mưu Chính quyền TP.HCM sớm xem xét đề xuất 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái hiện hữu.
Phương án 1, hướng tuyến của dự án bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy trên đường Vành đai 2, đi dọc đường Nguyễn Thị Định sau đó vượt sông Đồng Nai. Tổng chiều dài toàn tuyến là 11,76 km, riêng chiều dài cầu là 3,1 km.
Theo Sở Giao thông vận tải, phương án này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, sẽ xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nếu xây dựng hầm vượt sông, ngoài những nhược điểm như trên, chi phí xây dựng cũng như công tác duy tu sẽ rất tốn kém so với làm cầu (phương án xây hầm vượt sông thay vì xây cầu).
Phương án 2, hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường Vành đai 2, cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 01 km và cách nút giao Mỹ Thủy 2,3 km. Với hướng này, cầu sẽ đi dọc nhánh rạch Kỳ Hà, vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), sau đó nối cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tổng chiều dài tuyến của phương án 2 là 10,6 km, chiều dài phần cầu là 3,56 km. Phương án này không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân nhưng ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Cát Lái. Song song, khi thu hút lưu lượng lớn xe từ trung tâm TP.HCM đi sân bay Long Thành sẽ gây ùn tắc tại nút giao trên đường Vành đai 2, cầu Phú Mỹ. Ngoài ra, phương án tuyến không vuông góc sông Đồng Nai nên rất bất lợi khi khai thác.
Phương án 3, có hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường Vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300 m. Tuyến đi thẳng vào cổng C cảng Cát Lái, vượt sông Đồng Nai qua xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, rồi rẽ phải đi trùng với đường tỉnh lộ 25B, nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tổng chiều dài tuyến khoảng 12,45 km, riêng phần cầu dài 3,12 km.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố, phương án này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái, đến quy hoạch của các dự án dọc theo tuyến.
Cầu thay phà Cát Lái là dự án cầu đường bộ có vai trò rất quan trọng và được kỳ vọng tạo đột phá kết nối giữa khu Đông Sài Gòn với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 7.200 tỷ đồng, thiết kế dây văng, rộng 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, và lề đi bộ mỗi bên 1,5 m...
Phương án 5, có điểm đầu tuyến nằm trên trục đường Bắc - Nam, vượt qua Rạch Dĩa, đi theo đường trục quy hoạch kho B, cắt đường Huỳnh Tấn Phát sau đó đi qua kho xăng dầu Nhà Bè, vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Rẽ phải đi trùng đường quy hoạch và nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án.
Với phương án này, tổng chiều dài tuyến gần 13 km, phần cầu dài cầu 3,5 km. Phương án này phải điều chỉnh quy hoạch đường Nguyễn Hữu Thọ đến kho B, khu vực tổng kho xăng dầu huyện Nhà Bè đang hoạt động.
Do hướng đi của tuyến khá phức tạp và đi qua nhiều dự án, cung đường trục nên Sở Giao thông vận tải Thành phố cho rằng khó khả thi nhất trong các phương án được đề xuất.
Riêng với phương án 4, được Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đánh giá là khả thi nhất. Cụ thế, hướng tuyến có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam, qua Rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tiếp đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án. Tổng chiều dài toàn tuyến 13,71 km, riêng chiều dài phần cầu vượt sông là 3,5 km.
Phương án 4 tạo mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến metro số 4 Thạnh Xuân – Hiệp Phước (tuyến metro số 4 đi qua các quận 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Quận 3, Quận 1, Quận 4, Quận 7 và huyện Nhà Bè với tổng chiều dài khoảng 36,2 km) và các tuyến trục chính giao thông hướng tâm như đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, sau đó qua huyện Nhơn Trạch, sân bay quốc tế Long Thành và hướng ngược lại. Hướng tuyến phù hợp định hướng quy hoạch.
Ngoài các ưu điểm như phân tích của Sở Giao thông vận tải Thành phố, phương án 4 cũng được Sở Quy hoạch – Kiến trúc đánh giá là rất khả thi. Cụ thể, phương án này khả thi trong việc nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch liên quan trên địa bàn; đồng thời, một phần đường dẫn phía TP.HCM đi qua vùng đất trống vì vậy thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng.
Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông thay thế phà Cát Lái hiện hữu đã được quy hoạch từ 20 năm nay. Theo đó, dự án có điểm đầu kết nối nút giao Mỹ Thủy (trên đường Vành đai 2) và điểm cuối kết nối với tỉnh lộ 25B, cách bến phà Cát Lái khoảng 1 km.