UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TP.HCM, tính đến ngày 15/9/2022, trên địa bàn thành phố có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ. Hiện có 2/550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa.
Thời gian qua, có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng hoặc dầu dù vẫn mở cửa bán bình thường.
Qua kiểm tra, nắm tình hình, phản ánh từ các đơn vị kinh doanh xăng dầu cho thấy một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng, dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ, chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của khách hàng.
Hệ thống khu dự trữ xăng dầu hiện nay của thành phố có công suất chứa khoảng 1.232.129m3 (chưa kể hệ thống kho xăng dầu của đơn vị quân đội đang đóng quân trên địa bàn). Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn thành phố đạt 6.880m3/ngày.
Qua kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn, ghi nhận tình trạng các cửa hàng xăng dầu gặp khó khăn trong việc mua hàng từ các đại lý, thương nhân phân phối nên nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ; một số ít cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung từ phía đơn vị cung ứng.
Ngoài ra, có tình trạng thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu chưa đảm bảo được mức dự trữ xăng dầu tối thiểu bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (ngày 01/11/2021) của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (ngày 3/9/2014) về kinh doanh xăng dầu.
Trước tình hình trên, để đảm bảo duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường nói chung và thành phố nói riêng, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá theo hướng kịp thời, linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, Tết để hạn chế tác động đến cung cầu thị trường.
Đồng thời, ghi nhận các khoản chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế và đảm bảo tính đúng, tính đủ giá cơ sở hiện hành.
Nghiên cứu tỷ lệ và cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh linh động, đột xuất khi giá biến động vượt ngưỡng để đảm bảo sức chịu đựng của doanh nghiệp. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp đủ bù đắp chi phí kinh doanh và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bên cạnh đó, thông tin sớm kết quả xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp đầu mối, các tổ chức, đơn vị kinh doanh xăng dầu để qua đó kịp thời cảnh báo, tác động và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.
Gần đây nhất, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 31/8/2022, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, khẳng định trong cuộc họp: “Tổ Điều hành thị trường trong nước rất mong Bộ Tài chính sẽ xử lý sớm vấn đề này vì nếu giải quyết được sẽ gỡ khó được rất nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”.