July 12, 2022 | 17:29 GMT+7

TP.HCM đề xuất đầu tư xây “siêu cảng” Cần Giờ 6 tỷ USD

Xuân Thái -

Dự án đầu tư xây dựng “siêu cảng” trung chuyển quốc tế Cần Giờ với hơn 6,8 km cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu tải trọng lớn nhất thế giới, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD…

Khu vực ven biển Cần Giờ nói chung, vị trí dự kiến làm "siêu cảng" trung chuyển quốc tế Cần Giờ có điều kiện tự nhiên lý tưởng, gần tuyến hàng hải quốc tế...
Khu vực ven biển Cần Giờ nói chung, vị trí dự kiến làm "siêu cảng" trung chuyển quốc tế Cần Giờ có điều kiện tự nhiên lý tưởng, gần tuyến hàng hải quốc tế...

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án xây dựng “siêu cảng” đang được nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài quan tâm.

XÂY CẢNG CẦN GIỜ TẠO ĐỘT PHÁT PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN

Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, vừa qua lãnh đạo Thành phố đã cùng Bộ Giao thông vận tải nghe Tập đoàn MSC/TIL - hãng tàu container lớn thứ hai thế giới, báo cáo về đề xuất dự án đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Cảng Cần Giờ có công suất gấp gần ba lần cảng Cát Lái, được đề xuất xây tại huyện biển Cần Giờ nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế biển TP.HCM.

Dự án có quy mô gần 7 km cầu cảng này có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (khoảng 24.000 TEUs, 01 TEU = 01 container 20 feet), công suất thông qua khoảng 10 - 15 triệu TEUs. Khu cảng trung chuyển dự kiến chia làm bảy giai đoạn triển khai; giai đoạn 1 sẽ triển khai vào đầu năm 2024, khai thác vào năm 2028; giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành vào năm 2040.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của TP.HCM và cả nước.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban nhân dân Thành phố, hiện nay cảng Cát Lái của TP.HCM là cảng lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEUs/năm. Sản lượng hàng hoá qua cảng này chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% cả nước. Trong năm 2021, hàng hóa qua cảng ở Thành phố đạt hơn 160 triệu tấn, vượt 2,6% quy hoạch đến năm 2030. Vì vậy, việc triển khai xây các cảng container giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu ở TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị Trung ương giao các bộ ngành liên quan đánh giá lợi thế, khả năng đáp ứng các điều kiện... để hình thành khu cảng. Đồng thời, Thành phố cũng kiến nghị xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng biển khu bến Cần Giờ.

MỘT KHU VỰC “THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI”, NHƯNG CẦN TÍNH TOÁN KỸ

Khu vực ven biển Cần Giờ nói chung, khu vực dự kiến làm “siêu cảng” Cần Giờ nói riêng, nằm tại vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió, nằm gần tuyến hàng hải quốc tế. Theo các chuyên gia về cảng và công trình biển, đây là điều kiện cần quan trọng để hình thành hệ thống cảng và phát triển dịch vụ trung chuyển container quốc tế.

Sự tham gia của một vài hãng tàu hàng đầu thế giớ vào dự án là điều kiện đủ để dự án có thể sớm trở thành hiện thực.
Sự tham gia của một vài hãng tàu hàng đầu thế giớ vào dự án là điều kiện đủ để dự án có thể sớm trở thành hiện thực.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho rằng, sự tham gia của một vài hãng tàu hàng đầu thế giới vào dự án cảng Cần Giờ chính là điều kiện đủ của dự án. Bởi lẽ, cuộc chơi trung chuyển quốc tế hiện nay nằm trong tay các hãng vận tải nước ngoài.

Vào cuối tháng 3/2022, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và các bộ, ngành xem xét, ủng hộ chủ trương Cảng Sài Gòn hợp tác với MSC thực hiện dự án đầu tư, khai thác cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ, TP.HCM.

VIMC cho biết đã cùng Hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) đẩy nhanh nghiên cứu phát triển “siêu cảng” trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ, TP.HCM trị giá hơn 870 triệu USD. Theo VIMC, kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đầu tư, khai thác hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế cho thấy sự tham gia, đồng hành của các hãng tàu lớn, có mạng lưới vận tải toàn cầu là một trong những yếu tố cần thiết đóng góp cho sự thành công.

Vẫn theo VIMC, Hãng MSC có văn phòng tại 155 quốc gia, đội tàu kết nối tới 500 cảng biển toàn cầu. Sản lượng vận tải hàng năm đạt chừng 23 triệu TEUs, sở hữu khoảng 60 cảng biển trên toàn cầu, năng lực khai thác hàng năm đạt trên 30 triệu TEUs (thông qua công ty con Terminal Investment Limited - TIL). MSC hiện là khách hàng, đối tác chiến lược của VIMC và hai bên đã có những nghiên cứu bước đầu đặt nền móng cho sự hợp tác phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.

Tuy nhiên, ngoài các yếu tố về thiên thời và địa lợi, điều kiện về hạ tầng giao thông kết nối đang là vấn đề quan ngại nếu phải triển khai xây dựng “siêu cảng” trung chuyển Cần Giờ vào thời điểm hiện nay. Cụ thể, hiện nay các tuyến đường vào cảng lớn nhất cả nước là cảng Cát Lái chưa đồng bộ, tình trạng kẹt xe container, đặc biệt là các giờ cao điểm lên xuống hàng, đã làm cho các tuyến đường vào khu cảng lớn nhất cả nước này “chật cứng như nêm”.

Cụm cảng Cát Lái - cảng Hiệp Phước - cảng Sài Gòn hiện chỉ được kết nối bằng đường bộ và đường thủy, một số cụm cảng chưa được kết nối liên thông như các cảng tại cụm cảng tại TP.Thủ Đức (cảng Cát Lái, cảng Bến Nghé, cảng Phú Hữu, cảng ITC,…). Nay nếu triển khai cảng Cần Giờ vào thời điểm hạ tầng giao thông của Thành phố chưa hoàn chỉnh, e rằng sẽ gặp khó khăn về tính kết nối hơn.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Cầu – Đường – Cảng TP.HCM cho rằng, nếu dự án cảng Cần Giờ được bổ sung vào quy hoạch thì nên được thực hiện vào sau năm 2030 khi TP.HCM đã hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông bảo đảm đáp ứng yêu cầu.

 

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2021 sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam, vào khoảng 23,9 triệu TEUs. Sản lượng này tập trung chủ yếu tại cảng biển TP.HCM, Vũng Tàu và Hải Phòng.

Riêng cảng Cát Lái (TP.HCM) là cảng lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEUs/năm. Sản lượng hàng hoá qua cảng Cát Lái chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% cả nước. Trong năm 2021, hàng hóa qua cảng ở Thành phố đạt hơn 160 triệu tấn, vượt 2,6% quy hoạch đến năm 2030.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate