Cuộc họp có Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tham dự. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến sáng 30/5, Thành phố đã phát hiện thêm 33 ca nghi nhiễm mới, tất cả đều liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Trước nguy cơ ca lây nhiễm chưa có dấu hiệu dừng lại liên quan đến ở dịch ở Hội thánh truyền giáo này, Sở Y tế TP.HCM đề xuất với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho phép TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 ở một số phường.
ĐỀ XUẤT GIÃN CÁCH NHIỀU PHƯỜNG THEO CHỈ THỊ 16
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cập nhật thông tin: TP.HCM hiện có 136 ca bệnh, cứ 1 triệu dân có 13 ca. Đây là tình trạng đáng báo động. "Do vậy, Sở Y tế đề xuất áp dụng cách ly xã hội theo chỉ thị 16 tại các phường 3, 14, 15, 9,11 quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12", Giám đốc Nguyễn Tấn Bỉnh nói.
Riêng tại các phường có ít ca bệnh, chỉ 1-2 ca ở khu phố hoặc chung cư, Sở Y tế đề xuất cách ly, phong tỏa theo khu phố. Những vùng còn lại, đề xuất áp dụng chỉ thị 15 của Thủ tướng.
“Hiện nay, TP.HCM gần như là giãn cách theo Chỉ thị 15 rồi, bây giờ bổ sung thêm các biện pháp phong tỏa này”.
ông Nguyễn Tấn Bỉnh.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất cấm tụ tập 5 người nơi công cộng, thực hiện giờ giới nghiêm nghiêm ngặt. Dừng những hoạt động không cần thiết, siêu thị bán những thực phẩm thiết yếu. Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp làm việc trực tuyến.
Các tòa cao ốc phải mở cửa sổ để thông thoáng. Bởi nếu dịch bệnh lây lan từ các cao ốc sẽ phán tán đi nhiều nơi. Tại các bệnh viện, nếu phát hiện có ca nhiễm tại khu nội trú phải tiến hành phong tỏa bệnh viện.
Nếu người đến khám có biểu hiện ho, sốt cần phải có phòng khám sàng lọc riêng. Xe buýt công cộng chỉ vận tải 30 người. Ngành giao thông xem xét chủ trương dừng các tuyến xe buýt. Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã tạm ngưng các xe đến TP.HCM.
Xử lý nghiêm việc không đeo khẩu trang, không nhắc nhở nữa mà xử phạt ngay. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra quản lý các quán ăn vỉa hè bởi hiện nay ở một số nơi, quán ăn lề đường còn mở bán tại chỗ.
Mỗi địa phương cần có ít nhất 100 giường cách ly tại các đơn vị. Những quận, huyện chưa có ca nhiễm trong tình hình dịch căng thẳng cần phải thiết phải hỗ trợ lẫn nhau.
Về số ca nhiễm tại TP.HCM, Sở Y tế cho biết hiện thành phố có 379 ca Covid-19, trong đó có 177 ca lây trong cộng đồng. Có 142 bệnh nhân đang được điều trị có sức khỏe ổn định, trừ 1 trường hợp từ An Giang chuyển về còn thở máy.
Tính từ 27/5 đến nay, chỉ trong vòng 4 ngày, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 140 ca nhiễm, trong đó huỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 133 ca bệnh. Liên quan Hội thánh này có 3 ca là F1 đi về các tỉnh Long An, Bạc Liêu và Tây Ninh.
Dự báo số ca nhiễm liên quan đến Hội thánh này có thể tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay vẫn có thể chưa ra khai báo hết.
CẦN PHÁT HUY TỔ COVID-19 CỘNG ĐỒNG
Trao đổi tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết những người làm lễ tại Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng không đeo khẩu trang. “Họ tập trung hành đạo không mang khẩu trang, đâu phải mới đây. Tại sao phường, khu phố không phát hiện được?”.
Người đứng đầu thành phố phê bình vai trò tổ công tác Covid-19 tại địa phương này đã chưa sát sao, cần rút kinh nhiệm để sắp tới phòng, chống dịch quyết liệt hơn. Các địa phương phải chú ý phát huy cao vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng.
"Nếu phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng thì chúng ta đã lưu ý để báo cáo, xử lý. Đâu phải để đến nay dẫn tới có 136 ca nhiễm liên quan Hội thánh này, không chỉ tại TP.HCM mà còn lan sang các tỉnh khác".
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức cần tăng cường vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng. Yêu cầu các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức cần tăng cường vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng.
"Các đồng chí không chịu chấp hành tốt nên dẫn đến chuyện như thế. Tôi sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra việc này. Nhưng hiện tại trong giai đoạn chống dịch cứ tập trung xử lý dịch. Kinh nghiệm trong chỉ đạo, chống dịch là phải chấp hành”, ông Phong cho hay.
Trước đó, ngày 29/5, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.
Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, ông Phong cho biết TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Tân Bình và Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra cũng không loại trừ có thể có một số người sinh hoạt ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty ở khu công nghiệp.
Việc này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. "Có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện", ông Phong cho biết thêm.
HẠN CHẾ PHƯƠNG TIỆN CÔNG CỘNG, MUA SẮM TẠI CÁC CHỢ ĐẦU MỐI
Trao đổi tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, cho biết hiện TP.HCM có tổng cộng khoảng 6.500 xe taxi nhưng chỉ 20% tổng số xe hoạt động. Xe liên tỉnh cố định chỉ có 40% xe hoạt động, mỗi ngày có khoảng 1.000 xe, chở khoảng 12.000 khách. Hàng không mỗi ngày có khoảng 250 lượt bay quốc nội, với 1.000 khách, đạt 25% thường ngày.
Về đề xuất tạm ngưng hoạt động xe buýt của Sở Y tế, ông Lâm cho biết hiện các xe buýt của TP.HCM đều có sức chứa trên 40 chỗ, nhưng nay chỉ chở một lần không quá 20 khách. Sở Giao thông - Vận tải đã chủ động rà soát giảm một số tuyến đi qua khu vực có giãn cách như quận 12, Gò Vấp thì không đón trả khách. Chỉ hoạt động một số tuyến có đón trả khách tại bệnh viện, khu công nghiệp. Riêng các tuyến khác nghiên cứu tạm dừng 40% số tuyến, chỉ hoạt động 60% tuyến còn lại.
Liên quan đến các chợ đầu mối, báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Công thương cho biết, TP.HCM hiện có 3 chợ đầu mối lớn tình hình rất phức tạp, mỗi đêm có khoảng từ 5.000 đến 20.000 lượt xe ra vào. Những xe này có sự giao thương nhiều tỉnh, nhất là các xe từ phía Bắc vào các chợ. Thương nhân cũng có sự giao thương lớn giữa các chợ với nhau, và với các chợ trên toàn thành phố, khó kiểm soát.
Vì lưu lượng xe đông nên việc đo thân nhiệt dễ dẫn đến ùn ứ. Có thời điểm, lực lượng chỉ có thể kiểm tra thân nhiệt tài xế, không kiểm tra người khác đi chung xe. Hoạt động kinh doanh vòng ngoài các chợ này khá phức tạp, nhiều người không đeo khẩu trang, không chấp hành quy định phòng chống dịch. Sở đang tập trung tăng cường kiểm soát và hướng dẫn, xây dựng kịch bản nếu có phát sinh tình huống. Khuyến cáo người dân hạn chế mua sắm khi không cần thiết.
Được biết, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành ngày 31/3/2020 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Chỉ thị 16 quy định địa phương thực hiện theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động...
Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Chỉ thị 16 yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.