Trong thời gian qua, việc xử lý xe vi phạm quá tải của lực lượng thanh tra giao thông tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn; cụ thể như việc phối hợp dừng xe, truy đuổi xe vi phạm, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân…
XỬ PHẠT GẦN 6.000 XE VI PHẠM QUÁ TẢI, QUÁ KHỔ
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Theo đó, kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 32 đến nay, qua công tác phối hợp liên ngành, cũng như thanh tra, kiểm tra độc lập theo thẩm quyền, Thanh tra Sở đã kiểm tra 13.350 phương tiện, phát hiện và lập biên bản tổng cộng 11.383 trường hợp vi phạm đối với 5.965 phương tiện về quá tải, quá khổ, với tổng số tiền xử phạt 158,991 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn là 3.422 trường hợp.
Sở Giao thông vận tải Thành phố cũng đánh giá, kể từ khi có Chỉ thị 32, tình hình phương tiện chở hàng quá tải trọng có chiều hướng giảm; ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện, chủ hàng hóa được tốt hơn; góp phần làm giảm tai nạn giao thông, hạn chế hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
TP.HCM hiện đang quản lý bảy trạm kiểm tra tải trọng xe, gồm sáu trạm tự động do Thành phố đầu tư và một trạm cân lưu động do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp, và 15 bộ cân xách tay. Các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động triển khai trên địa bàn Thành phố được thiết kế theo mô hình cân 2 cấp, gồm cân sơ cấp và cân thứ cấp.
Việc đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động mang lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Thống kê từ 2016 – 2021, thông qua hệ thống các trạm kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn TP.HCM, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra 7.544 lượt xe, phát hiện và lập biên bản 6.166 trường hợp đối với 3.150 phương tiện vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép, với tổng số tiền xử phạt là gần 80 tỷ đồng.
Tính riêng từ tháng 11/2020 đến nay, Thành phố đã triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình 1 cấp cân, tại các trạm cân cầu Ông Lớn Quận 7, trên tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh), trạm thu phí An Sương - An Lạc (tuyến quốc lộ 1). Kết quả đã xử lý trên 800 trường hợp vi phạm, số tiền xử phạt là gần 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, việc phối hợp, hỗ trợ kiểm tra cho Thanh tra giao thông còn có lực lượng cảnh sát giao thông và Thanh niên xung phong, thì từ năm 2017 đến nay, việc này chỉ còn duy nhất lực lượng Thanh tra giao thông Thành phố và nhân viên kỹ thuật thực hiện, vì vậy công tác bảo đảm hoạt động 24/24 giờ và bảy ngày trong tuần, công tác bảo đảm an ninh trật tự và kiểm tra, xử lý vi phạm đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tại TP.HCM, đa số các tuyến đường trong đô thị có bề rộng nhỏ, việc bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra tải trọng trên đường là rất khó khăn, nhắt là vào các giờ cao điểm, kẹt xe...
DÙNG CÂN TỰ ĐỘNG CẢM BIẾN ĐỂ XỬ PHẠT “NGUỘI”
Trước thực trạng cùng những khó khăn nêu trên, Ủy ban nhân dân TP.HCM, theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Thành phố, đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho TP.HCM áp dụng phạt “nguội” các xe vi phạm qua sử dụng cân tự động cảm biến thạch anh. Cụ thể sẽ áp dụng đối với các trạm kiểm tra tải trọng xe đã đầu tư trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua.
Về đối tượng xử phạt, Thành phố kiến nghị cho phép xử phạt các hành vi vi phạm tải trọng của phương tiện, tải trọng của cầu, đường thông qua trạm kiểm tra tải trọng xe tự động theo hướng tập trung vào xử phạt đối tượng là chủ phương tiện. Trong trường hợp xác định được người điều khiển phương tiện quá tải không phải là chủ phương tiện thì xử phạt thêm đối tượng là người điều khiển phương tiện.
Kiến nghị không yêu cầu hạ tải tại nơi (trạm) phát hiện vi phạm quá tải đối với phạt “nguội”.
Để việc áp dụng phạt “nguội” bảo đảm an toàn, chính xác, TP.HCM đề nghị Bộ Công an thống nhất một số nội dung, như: Phương án quản lý, chia sẻ cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông (đăng ký, cấp biển số tại Việt Nam và nước ngoài tham gia giao thông đường bộ tại Việt Nam), dữ liệu về người điều khiển phương tiện giao thông, về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có hướng dẫn về công tác đầu tư, khai thác và duy tu, bảo vệ hệ thống kiểm tra tải trọng xe làm cơ sở để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thành phố cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng xử phạt “nguội” hoàn toàn tự động như ở các quốc gia phát triển, không thực hiện bước xác minh hành vi vi phạm, sớm ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).