October 05, 2022 | 08:25 GMT+7

TP.HCM đón tàu biển du lịch đầu tiên cập cảng sau gần 3 năm

Mộc Minh -

Theo hải trình, tàu Le Laperouse sẽ lưu lại Việt Nam 39 ngày, ghé đến các cảng biển lớn của Việt Nam. Trong đó, tàu ghé TP.HCM 3 đợt, tổng cộng 12 ngày để trải nghiệm các chương trình tham quan nội đô thành phố và Củ Chi.…

Trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch TP.HCM có những bước chuyển mình tích cực, mục tiêu đón khách du lịch quốc tế đang được toàn ngành nỗ lực đột phá trong 3 tháng cuối năm nay. Bên cạnh các chính sách kích cầu du lịch, đầu tư, xây dựng sản phẩm mới, tập trung phát triển du lịch MICE, tổ chức thành công các sự kiện du lịch có quy mô quốc tế… việc đón các đoàn tàu biển cập cảng TP.HCM du lịch đang được chú trọng.

Ngày 02/10/2022, Công ty Tân Hồng – Viet Excursions đã đón đoàn 85 khách Pháp trên tàu Le Laperouse cập cảng TP.HCM tại cầu MM2- Cảng Sài Gòn (số 5 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM). 

Đây là đoàn khách tàu biển đầu tiên cập cảng thành phố sau gần 3 năm tạm ngừng các hoạt động đón khách du lịch tàu biển do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Điều này đã báo hiệu sự phục hồi của ngành du lịch thế giới, sự khởi động của ngành dịch vụ du lịch được giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm vào phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp.  

Theo hải trình, tàu Le Laperouse lưu lại Việt Nam 39 ngày, ghé đến các cảng biển lớn của Việt Nam, như: Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế), Hòn La (Quảng Bình) và Hạ Long (Quảng Ninh). Trong đó, tàu ghé TP.HCM 3 đợt, tổng cộng 12 ngày để trải nghiệm các chương trình tham quan nội đô thành phố và Củ Chi. 

Theo ông Phan Xuân Anh, Tổng giám đốc Công ty Tân Hồng, tầng lớp siêu giàu của Pháp không quá nhiều, mức chi trả cho phân khúc này cũng không thực sự phổ biến, nên quy mô khoảng 150 khách/chuyến cho các du thuyền là phù hợp theo tính toán của các hãng tàu. Tuy vậy, đây là nhóm khách "đại gia" sẵn sàng chi tiêu rất cao và ưu tiên các dịch vụ đẳng cấp.

TP.HCM đón tàu biển du lịch đầu tiên cập cảng sau gần 3 năm  - Ảnh 1
TP.HCM đón tàu biển du lịch đầu tiên cập cảng sau gần 3 năm  - Ảnh 2
TP.HCM đón tàu biển du lịch đầu tiên cập cảng sau gần 3 năm  - Ảnh 3
 

Theo thống kê của 6 công ty khai thác thị trường du lịch tàu biển, lượng khách đến Việt Nam tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau (dịp mùa đông). Trong đó, 70% lượng khách tàu biển cập cảng Phú Mỹ (Vũng Tàu) đi tour vào TP.HCM. Cơ quan Xuất Nhập cảnh đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển và kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (e-visa).

Du lịch tàu biển là loại hình đặc biệt mang lại doanh thu cao vì vậy cũng đòi hỏi năng lực phục vụ cao của các hãng lữ hành. Hệ thống kiểm tra xuất nhập cảnh của Việt Nam được xem là dễ nhất trong khu vực và châu Á, chỉ cần có thẻ xuống tàu (các hãng tàu cung cấp), sau đó được công an cửa khẩu xác nhận đóng dấu, khách sẽ được lên bờ đi theo các tour du lịch.

TP.HCM đã trở thành điểm đến quen thuộc và hấp dẫn trong hành trình du lịch của các hãng tàu biển quốc tế lớn như Tập đoàn Royal Caribean Cruise Line, Princess Cruises, Costa Cruises, Viking Cruises… Ngành du lịch thành phố xác định du lịch tàu biển sẽ là loại hình du lịch tiềm năng trong tương lai thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố.

 

Tàu Le Laperouse là loại tàu du lịch cao cấp có thiết kế sang trọng, mới được đưa vào sử dụng năm 2018, dài 132m, cao 28m, rộng 18m, độ choán nước 1.370 tấn, đây cũng là con tàu đầu tiên trong 4 siêu du thuyền của Hãng Ponant.

Le Laperouse có thiết kế nhỏ gọn đủ để tiếp cận các cảng biển mà tàu lớn không thể ghé vào. Chỉ có 92 phòng, điểm nhấn của tàu chính là phòng Blue Eye, một căn phòng dưới nước cho phép mọi người có thể nhìn thấy biển cả phía trước, sau và bên dưới tàu. Chi phí cho một hải trình trên tàu này khoảng từ 12.000 USD/người.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate